Người phụ nữ với trái tim tỏa ấm

Thứ bảy - 28/04/2018 05:08
Ở đầu đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) nhiều người biết đến một phụ nữ thiện nguyện. Ai nhờ bà giúp, dù nửa đêm gà gáy bà cũng lên đường. Hàng ngày ra đường, bà mặc bộ quần áo sờn gai. Thỉnh thoảng người ta vẫn gặp bà đội thúng rau, thúng gừng ra chợ ngồi bán. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, người phụ nữ hiền lành ấy là một cán bộ quân đội nghỉ hưu.
Người phụ nữ với trái tim tỏa ấm

       Bà tên Thân Thị Ửng, sinh năm 1931 tại Bình Định, thực ra bà sinh năm 1946 nhưng vào năm 1973 trên đường ra Bắc xe bị lật, nhiều người chết và bị thương, hồ sơ thất lạc. Sau này, cán bộ tổ chức đoàn tái lập lại hồ sơ, thấy gương mặt bà có vẻ già trước tuổi nên ghi năm sinh 1931.

       Trò chuyện với phóng viên, bà Ửng kể: “Tui sinh trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ba và bác ruột tui đều là liệt sĩ hy sinh cùng ngày vào năm 1959. Vì lòng căm thù nên năm 1963, tui xin ông Nguyễn Trung Tín (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định và Lâm Đồng) tham gia lực lượng vũ trang cách mạng từ lúc 13 tuổi. Đến năm 1970 bị địch bắt, trải qua các nhà tù rồi được trao trả theo hiệp định Paris năm 1973. Trong chuyến đi từ Lộc Ninh ra Bắc, xe bị lật, bị thương cột sống, tui thành người tàn phế kéo dài mấy năm liền. Sau này có gia đình, cộng thêm với sức khỏe kém do đời sống thiếu thốn và khắc nghiệt trong lao tù, chứng đau cột sống tái phát, tui trở lại tật nguyền”.

       - Nghe nói bác là người có thiện tâm với thiền. Không những bác tự làm “bác sĩ” cho mình, còn hướng dẫn nhiều người khác luyện ngồi, luyện thở, trị được nhiều bệnh! – Tôi hỏi.

       - Thực ra tui đến với thiền từ bà chị dâu của tui, cũng là vợ liệt sĩ ở Bình Định. Chị bệnh nặng đến mức chờ chết. Cuối cùng, chị gặp được ông Năm Râng (ở Phù Cát) nhờ thiền khỏi bệnh, nay có thể đi cắt cỏ gánh về nhà cho bò ăn. Tuy nhiên, để ngồi thiền thành công không phải dễ dàng, lúc đầu đau đớn toàn thân, mình phải cắn răng chịu đựng, có khi nước mắt hòa lẫn với tủi thân. Mỗi lần đau như thế, tui nhớ lại thời mình ở tù, bị địch bắt tra tấn. Ngày trước ác liệt như thế mình còn chịu đựng được huống hồ bây giờ. Từ năm 2006 đến nay, tui không tốn tiền thuốc nữa, tui có thể làm vườn và cùng phụ hướng dẫn những người nghèo, người ốm đau tập luyện tại nhà riêng của họ.

       Tôi quý bà Ửng, một cán bộ về hưu với thương tật đầy mình, tiền lương của bà không chỉ sống cho mình mà còn biếu tặng những người bất hạnh, dù chỉ vài chục ngàn. Bà học qua Cấp 5 thiền Trường Sinh học, ngôi nhà của bà trở thành nơi tổ chức các lớp học thiền, tổ ấm dành cho những người bệnh tật đến ngồi thiền, tâm sự chia sẻ bệnh đau. Trong các lớp học này, bà chẳng được bất kỳ huê lợi gì, nhưng cái được lớn nhất là sự trân trọng của bà con đối với một cán bộ hưu trí. Trong xóm có ai bị cảm gió đến nhà bà xin bó lá xông, bà tự tay đi hái cho họ mang về, còn căn dặn cách nấu, cách thở. Thỉnh thoảng bà mang đến nhà người ốm biếu họ bó rau, rổ khoai một cách thực lòng.

       Bà Ửng – một cán bộ hưu trí luôn tỏa trái tim nồng ấm đến với mọi người. Nhìn hình ảnh của bà, tôi nhận ra rằng, trong cuộc chiến sinh tử với bệnh tật, tình người cũng là một loại thuốc và loại thuốc đặc biệt này không phải ai cũng có.

Tác giả bài viết: TRẦN ĐẠI

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Chú ý: Quý vị đăng lại bài viết ở Website hoặc phương tiện truyền thông khác xin vui lòng  ghi rõ nguồn http://truongsinhhocds.com -Cám ơn!

Tổng số điểm của bài viết là: 56 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây