Bác sĩ thổi bay ung thư phổi: Rảnh là... Thiền

Thứ sáu - 09/09/2016 18:12
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quốc Hùng bật mí: Tinh thần quyết định ít nhất 50% thành công trong điều trị ung thư. Không mấy khi ông để mình buồn, hễ rảnh là ông thiền.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quốc Hùng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quốc Hùng
       PGS Hùng nhấn mạnh, với ung thư, các bệnh nhân luôn phải chuẩn bị tinh thần bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào. Chuẩn bị tâm lý tốt là tiền đề để chữa trị thành công.
       Từ quá trình điều trị của mình, PGS Hùng đã đúc kết ra 4 chữ T trong điều trị ung thư gồm: Tinh thần, thuốc, thức ăn và thể dục.
       
Không nên nghĩ đến bệnh
       PGS Hùng cho rằng dù có mang trọng bệnh cũng không nên nghĩ ngợi, lo lắng quá nhiều, nên coi đó là bệnh bình thường, không nên để cảm xúc, lo lắng của những người xung quanh chi phối đến mình quá nhiều. Nhiều lúc cực đoan, PGS Hùng không muốn người khác đến thăm mình.
       “Tâm lý vô cùng quan trọng, quyết định ít nhất 50% thành công trong điều trị. Chúng tôi cũng đã đọc nhiều nghiên cứu cho thấy khi u uất, buồn bã sẽ khiến cơ thể tiết ra các chất có hại làm nhịp tim tăng, huyết áp tăng, khi vui thì ngược lại” – PGS Hùng chia sẻ.
       Để tránh buồn phiền, PGS Hùng hay mua phim hài về xem, khi nào khó ngủ thì tụng kinh để tinh thần được thoải mái, cố gắng ngủ trước 23 giờ.
       Từ ngày điều trị, ông cũng bắt đầu học ngồi thiền, tĩnh tâm hàng ngày, hễ khi nào rảnh là thiền.
       
Duy trì thuốc đều đặn
       PGS Hùng trong suốt và sau quá trình điều trị luôn tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ. Hiện ông vẫn uống thuốc nhắm trúng đích duy trì hàng ngày và uống thêm thực phẩm chức năng.
       Ngoài ra, PGS Hùng còn sử dụng thêm sâm ngọc linh. Đây là sâm của Việt Nam, được trồng nhiều tại Tây Nguyên có giá trị cao hơn cả sâm của Hàn Quốc, Triều Tiên.
       “Tôi cũng chỉ mua loại tầm 30 triệu/kg nhưng quan trọng phải tìm được nguồn mua tin tưởng” – PGS Hùng nói và tiết lộ – Ông cũng uống thêm tam thất với mật ong để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
       
Ăn nhiều rau, tránh thịt đỏ
       Hàng ngày, PGS Hùng mang cơm đi làm, trong phòng có sẵn tủ lạnh, lò vi sóng. Ông bảo ăn vậy mới đảm bảo đúng khẩu phần.
       Hàng ngày ông chia nhỏ thành 5 bữa ăn, ăn ít và ăn chủ yếu các thực phẩm có tính kiềm. Các bữa phụ chủ yếu là hoa quả, bữa chính ăn nhiều rau, đặc biệt là súp lơ, rau chân vịt, bơ, cam, mãng cầu xiêm,... và ít tinh bột.
       Để đảm bảo, gia đình ông tự trồng hơn 20 thùng rau trên sân thượng để quay vòng với đủ loại rau từ dền, mùng tơi, cải, muống, đến các loại rau thơm, chanh, dâu...
       Với thịt, ông không ăn thịt đỏ vì sinh ra nhiều axit mà thay vào đó ăn nhiều thịt gia cầm, tôm, cá,... thỉnh thoảng ăn thịt lợn. Ông cũng chia sẻ không bao giờ ăn đường.
       
Duy trì thể dục
       Ông tiết lộ trước đây ông vẫn đi tập gym đều đặn nhưng mới nghỉ vì bận quá, không sắp xếp được công việc. Khi tập chỉ tập ở mức độ vừa phải, không quá nặng để duy trì thể lực.
       Với những đúc rút của bản thân, PGS Hùng đã chia sẻ cho hàng trăm bệnh nhân ung thư khác và đều phản hồi rất tốt.
       Ở tuổi 62, ông vẫn thường xuyên theo các đoàn từ thiện lên vùng cao khám bệnh miễn phí cho những bệnh nhân nghèo.
       
“Ung thư đâu còn là bệnh nan y như nhiều người quan niệm, không phải cứ mắc bệnh này là chờ chết. Giờ kỹ thuật hiện đại, kết hợp tâm lý, ăn uống tốt thì hoàn toàn có thể đẩy lùi” – PGS Hùng nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: THÚY HẠNH

Nguồn tin: www.vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 56 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 13 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây