Trường Sinh Học Dưỡng Sinh

http://www.truongsinhhocds.com


Thiền đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống

Bất cứ ai cũng có thể tập thiền được. Thiền không chỉ mang lại sự an định nội tâm, đưa đến niềm vui, mà còn mang lại sức khỏe lành mạnh về thể chất cũng như tinh thần. Nếu áp dụng thiền điều đặn hằng ngày thì sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống.


       Để tập thiền có kết quả, chúng ta phải thực hành đúng phương pháp cơ bản. Đầu tiên, cần thu xếp một thời gian và chọn một nơi mà bạn sẽ không bị quấy rầy trong suốt quá trình tập thiền. Một thời gian tốt để bắt đầu ngồi thiền là vào sáng sớm, hoặc chiều tối trước khi đi ngủ. Một nơi yên tĩnh sẽ thích hợp hơn, có thể ở trong một căn phòng mát mẻ hoặc trong vườn... Bạn có thể tăng dần thời gian ngồi thiền lên.

       Trước hết bạn cần phải điều phục thân, nghĩa là làm cho thân ngồi yên, ngay ngắn. Tốt nhất nhưng khó nhất là thế ngồi hoa sen (full-lotus) kiết già. Tréo hai chân, đặt bàn chân phải lên trên đùi trái và ngược lại, lòng bàn chân hướng lên trên. Hai bàn tay đặt tựa trên đầu gối, sống lưng thẳng, cổ thẳng, cằm hơi ngẩng lên. Nếu không thể ngồi theo thế hoa sen, thì ngồi bán kiết già (half-lotus). Đặt bàn chân phải qua đùi trái (hay ngược lại), đầu gối chạm sàn. Nếu đầu gối khó chạm sàn thì đặt một đùi lên chỗ gập đầu gối của chân kia. Bạn cũng có thể ngồi đặt chân này trước chân kia. Tất nhiên thế ngồi kiết già dù hơi khó, nhưng nếu tập được tư thế này sẽ giúp bạn ngồi được lâu hơn, ngồi yên bất động, dễ đi vào trạng thái định. Các tư thế ngồi khác tuy dễ, nhưng không thể ngồi lâu, tâm khó yên trong khi thiền. Tư thế ngồi nào cũng cần phải vững chãi, thảnh thơi, và an lạc.

       Sau khi điều phục thân thuần thục, chúng ta bắt đầu đi vào điều phục tâm. Tập trung sự chú ý của bạn vào Luân xa 6 (hoặc luân xa 7, tùy bạn thuận luân xa nào) ít phút, sau đó không suy nghĩ gì hết. Nếu cảm thấy khó chịu hay căng thẳng, cần chú ý lấy lại sự cân bằng. Sự chú tâm trong lúc ngồi thiền cần phải đầy đủ ba yếu tố: tỉnh thức (awareness), chú ý (attention), và tỉnh giác (alertness).

       Điều phục hơi thở, để hơi thở vô/ra tự nhiên. Tuyệt đối không can thiệp vào hơi thở, không cố làm cho hơi ngắn lại hay dài ra theo ý mình. Hãy để cho hơi thở diễn biến một cách nhịp nhàng và tự nhiên. Quan trọng là khi thở vào mình biết mình đang thở vào; thở ra mình biết là mình đang thở ra. Đây gọi là hơi thở có ý thức. Cần nhớ hơi thở là đối tượng duy nhất trong suốt thời gian ngồi thiền. Thỉnh thoảng nếu bị phóng tâm (nghĩ đến chuyện khác), bạn phải cố gắng tỉnh thức và đem tâm trở về an trú trên đối tượng thiền bằng cách theo dõi luồng hơi thở vô ra, không cho nó phóng túng, cho đến khi tâm trí trở nên bình thản lắng dịu. Bạn cần giữ tâm luôn tỉnh thức, không tán loạn (suy nghĩ lung tung) và đạt đến sự định tâm. Điều này giúp mang lại sự thư thái và an lạc trong thân tâm.

       Khi tâm trở nên yên tịnh (không còn phóng tâm) và hơi thở trở nên nhẹ nhàng, thân thể của ta trở nên an tịnh trở lại. Thiền là sự trị liệu và chuyển hóa tuyệt vời, là một thứ thuốc giải độc tốt, xua tan bồn chồn và lo lắng, và là một cách tốt nhất để thư giãn tích cực đối với toàn bộ trạng thái thân và tâm của bạn.

       Xả thiền rất quan trọng, khi chuẩn bị ngồi thiền kỹ như thế nào thì xả thiền cũng như vậy. Nếu xả thiền không đúng phương pháp sẽ gây ra những hiệu ứng không tốt cho người thực hành thiền. Trước hết chúng ta tiến hành xả tâm, và nguyện hồi hướng công đức, sau đó tiến hành xả thân. Dùng hai bàn tay xoa vào nhau khoảng 4 – 5 lần. Dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa vuốt nhẹ xung quanh vành mắt. Sau đó, hai bàn tay xoa nhẹ lên mặt. Kế đến, xoa lại hai bàn tay, rồi thoa lên lưng, lên chân để chống đau lưng và tê chân, nếu có. Sau đó từ từ tháo hai chân ra và đứng dậy kết thúc buổi tập thiền.

       Tóm lại, tập thiền mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người. Thiền không mang nặng sắc màu tôn giáo, nên bất cứ ai cũng có thể thực hành. Thiền còn là phương pháp trị liệu hiệu quả, giúp giảm thiểu căng thẳng, rối loạn. Thiền đưa đến sự thiết lập cân bằng giữa thân và tâm, tạo nên sự hài hòa giữa tâm và vật, cởi mở tâm thức, lắng dịu tâm hồn, đưa đến sự an lạc, thảnh thơi trong cuộc sống.

Tác giả bài viết: TRUNG ĐỊNH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây