Trường Sinh Học Dưỡng Sinh

http://www.truongsinhhocds.com


Học thiền dưỡng sinh Trường Sinh học – con đường dẫn tới: Thân tâm an lạc

Ông bà ta dạy: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Điều đó xuất phát từ tâm của mỗi người.
Học thiền dưỡng sinh Trường Sinh học – con đường dẫn tới: Thân tâm an lạc


       Bệnh từ tâm và bệnh từ ăn uống, môi trường mà ra. Muốn tránh bệnh từ tâm thì thân tâm phải an lạc, bảo trì tâm thái lạc quan, mỗi ngày vui vui vẻ vẻ mà sống, để đạt được điều này chỉ có thiền. Thiền là phương pháp xả stress, bực bội, buồn phiền hữu hiệu nhất.

       Muốn tránh bệnh từ ăn uống thì thực hiện ăn uống thực dưỡng theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa – một triết gia người Nhật Bản. Dựa trên nguyên lý Âm – Dương trong kết hợp thực phẩm, sinh hoạt lành mạnh, ông đã đề ra một số điều kiện, nguyên tắc trong ăn uống mà ngày nay chúng ta vẫn thường gọi là thực dưỡng hay thực dưỡng Ohsawa, đó là minh triết của người phương Đông.

       Một phương pháp ngừa bệnh và tránh họa từ miệng một cách hữu hiệu mà ngày nay nhiều người đang tập luyện đó là thiền dưỡng sinh Trường Sinh học, tiếp thu năng lượng từ vũ trụ để nâng cao sức khỏe đầy lùi bệnh tật. Đến với thiền là điều kiện tịnh tâm, bình tĩnh, sáng suốt để đối nhân, xử thế tránh họa từ miệng nói ra.

       Vào những năm cuối thế kỷ XX, nhân loại đã phát triển một phương pháp dưỡng sinh bằng ứng dụng Trường Năng lượng Sinh học, gọi tắt là Trường Sinh học. Trong đó phải kể đến Tiến sỹ Đasira Narada (1846 – 1924) người Sri Lanka, đã có công lớn trong việc ứng dụng Trường Năng lượng Sinh học giúp cộng đồng nhân dân phòng bệnh, tự trị bệnh không dùng thuốc và coi đây là một môn khoa học về dưỡng sinh. Đây là một phương pháp bổ sung cho Y học hiện đại, dựa trên lý thuyết của hệ thống Kinh Lạc.

       Theo triết học phương Đông, con người là một tiểu vũ trụ, tồn tại và cân bằng trong một hệ thống vật lý và có quan hệ mật thiết với môi trường sống.

       Thuyết Kinh Lạc là bộ phận trọng yếu cấu thành hệ thống lý luận Đông y học. Dùng Kinh Lạc điều chỉnh những chỗ mất cân bằng âm dương trong cơ thể chính là phát huy tác dụng của Trường Năng lượng Sinh học. Kinh Lạc là đường khí huyết vận hành trong cơ thể, đường chính của nó gọi là Kinh, nhánh của nó gọi là Lạc, Kinh với Lạc liên kết đan xen ngang dọc, liên thông trên dưới trong ngoài, là cái lưới lin lạc toàn thân.

       Tự rèn luyện dưỡng sinh theo phương pháp ứng dụng Trường Năng lượng Sinh học cũng là sự tu luyện khí vận của âm dương ngũ hành, nhằm lưu thông Kinh Lạc, điều tiết công năng khí huyết, phủ tạng bên trong cơ thể, làm cho âm dương cân bằng, ngũ hành tương bổ cho nhau để đạt mục đích dưỡng sinh, trị bệnh, đề phòng bệnh tật. Tu tâm, luyện khí thông qua môn dưỡng sinh Trường Sinh học cũng chính là một trong nhiều biện pháp để cân bằng ngũ hành. Trong thực tế, thường xuyên tập luyện dưỡng sinh Trường Sinh học là một trong nhiều hoạt động có thể làm cho Kinh Lạc thông suốt, các cơ quan phủ tạng vận hành hanh thông, nhờ đó mà đạt được mục đích dưỡng sinh, đẩy lùi bệnh tật, thân thể khỏe mạnh.

       Từ tư tưởng tiêu cực, ăn uống có nhiều độc tố, do môi trường sống và thời tiết thay đổi sẽ sinh ra “trược”, tức là gây bế tắc “thống” kinh lạc, kinh mạch, tế bào, từ đó gây nên bệnh. Muốn “xả trược” tức là “thông” bế tắc, đẩy độc tố ra ngoài, vì “thông bất thống, thống bất thông” ta phải dùng phương pháp Thiền dưỡng sinh Trường Sinh học.

       Điều kiện tập luyện môn học Thiền dưỡng sinh Trường Sinh họclà phải đến các cơ sở mở lớp hướng dẫn tập luyện và được giảng huấn khai mở 6 luân xa (Đại huyệt).

       Ngồi Thiền dưỡng sinh Trường Sinh học là để cho tâm tịnh, là phương tiện để mọi người tập luyện, huân tập, tu học, rèn luyện, chính là thực hiện con đường dẫn tới: “Thân tâm an lạc, tâm đăng, đuốc tuệ, địa (lòng, dạ) sáng trong”.

       Muốn vậy, tập luyện phải có niềm tin, vì niềm tin là thần dược, từ đó đạt được kết quả tốt. Thiền là điều kiện tốt để mình quay về tâm, mà tu tâm, kiến tánh, thực hiện tứ vô lượng tâm: Từ bi hỷ xả, bi trí dũng, để tâm mình được sáng gọi là tâm đăng.

       Khi thực hiện văn, tư, tu (Trí hữu lậu hay trí hữu sư), (Văn là đọc sách, nghe giảng, tư là tư duy, ngộ rồi mới tu tâm, dưỡng tánh) và giới, định, tuệ (Trí vô lậu hay trí vô sư), (Giới là giữ giới luật, đạo đức, định là thiền định, tuệ là trí tuệ), chánh định là con đường cuối cùng bát chánh đạo của đạo Phật, thì khi thiền được định sẽ có trí tuệ sáng gọi là đuốc tuệ.

       Tôn chỉ, mục đích của môn học Thiền dưỡng sinh Trường Sinh học là không hám danh, vụ lợi, chỉ đem năng lượng tình thương đến với mọi người, không đòi hỏi đáp trả bằng vật chất, hay bất cứ thứ gì. Cộng với ăn uống thực dưỡng, tâm đăng, đuốc tuệ thì địa (lòng, dạ) sẽ sáng trong.

       Ngôi nhà chung Dưỡng sinh Trường Sinh học mang tính nhân văn sâu sắc, rất thấm thía cái tình người của môn sinh. Trường Sinh học Năng lượng khuyến khích các môn sinh dành nhiều thời gian để giúp đỡ “phụ bệnh”, tư vấn, động viên người bệnh. Việc giúp đỡ mọi người của các môn sinh phải trên tinh thần tự nguyện, không cầu danh, cầu lợi hoặc đòi hỏi được thưởng cho chính mình. Những việc làm từ thiện tự nguyện ấy sẽ giúp nâng cao tinh thần vị tha cho môn sinh. Hành động tự nguyện “Ban phát niềm vui và cứu giúp hoạn nạn”, sẽ truyền bá một triết lý sống về tình thương thật sự, không mong cầu sự đền đáp, là nền tảng cho quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giúp đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

       Tài sản quý nhất của con người là vô sản (theo tâm linh) chính là tài sản vô giá, vô hình chứ không phải tài sản hữu hình, có giá, đó là: “Thân tâm an lạc, tâm đăng, đuốc tuệ, địa (lòng, dạ) sáng trong”. Bản thân có nhận định và tiên đoán: Thiền Dưỡng sinh Trường sinh học sẽ thực hiện cuộc cách mạng vô sản theo tâm linh như trên, từ đó con người sống nhân văn, lương thiện, tràn đầy năng lượng tình thương, xây dựng xã hội tốt đẹp. Bản thân có vần thơ:

          Sóng sinh học mang điều kỳ diệu

          Cải tạo muôn loài trái đất xanh

          Để người mãi sống trong hạnh phúc

          Hương vị cuộc đời được sáng trong.

       Ngày 24/10/2019 kỷ niệm, mừng sinh nhật lần thứ 173 Đức Tổ sư Đasira Narada, xin chúc quý đồng môn Dưỡng sinh Trường Sinh học lời chúc tập luyện đạt kết quả tốt. Đồng thời, xin gửi thông điệp đến mọi người chưa tập luyện nên tìm hiểu và tập luyện môn Dưỡng sinh Trường sinh học.
 

Quy Nhơn, ngày 30 tháng 9 năm 2019.

Tác giả bài viết: TRẦN VĂN MINH (Phú Tài, TP Quy Nhơn, Bình Định)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây