Trường Sinh Học Dưỡng Sinh

http://www.truongsinhhocds.com


Mối quan hệ giữa thân và tâm

Mối quan hệ giữa thân và tâm
Trầm tĩnh, giọng nói nhỏ nhẹ, phong thái giao tiếp thoải mái, hóm hỉnh, thân mật và trẻ trung, đó là những ấn tượng mà chúng tôi đã có khi gặp BS. Đỗ Hồng Ngọc. Là nhà quản lý, viết văn, làm thơ, chữa bệnh, tư vấn tâm lý và sức khỏe,... con người Đỗ Hồng Ngọc vẫn thế, trầm tĩnh, điềm đạm và dễ gần. Chữa bệnh, chiêm nghiệm, nghiên cứu và viết, nếu kể số lượng tác phẩm của BS Đỗ Hồng Ngọc cũng phải ngót nghét 20, trong đó có nhiều tác phẩm được tái bản nhiều lần.

        Trầm tĩnh, giọng nói nhỏ nhẹ, phong thái giao tiếp thoải mái, hóm hỉnh, thân mật và trẻ trung, đó là những ấn tượng mà chúng tôi đã có khi gặp BS. Đỗ Hồng Ngọc. Là nhà quản lý, viết văn, làm thơ, chữa bệnh, tư vấn tâm lý và sức khỏe,... con người Đỗ Hồng Ngọc vẫn thế, trầm tĩnh, điềm đạm và dễ gần. Chữa bệnh, chiêm nghiệm, nghiên cứu và viết, nếu kể số lượng tác phẩm của BS Đỗ Hồng Ngọc cũng phải ngót nghét 20, trong đó có nhiều tác phẩm được tái bản nhiều lần.
 

 
        Có một Đỗ Hồng Ngọc là người viết văn, làm thơ, có một Đỗ Hồng Ngọc là người viết về Phật học, có một Đỗ Hồng Ngọc là bác sĩ và cũng là nhà tư vấn tâm lý và sức khỏe cho tuổi mới lớn, doanh nhân, người già… được nhiều người quý mến. Với anh, tính tự nhìn nhận về mình như thế nào?
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Tất cả những “con người” đó đều hòa nhập trong tôi, không có gì phân biệt. Khi còn trẻ, đậu xong tú tài 11, tôi phân vân không biết nên đi vào Văn khoa để... làm một nhà văn hay vào Sư phạm để làm một nhà giáo, hay học Y khoa để làm bác sĩ. Tôi cảm thấy mình không thể chuyên vào một cái gì hơn.
        Chính học giả Nguyễn Hiến Lê là người đã khuyên tôi nên học y khoa. Ông nói học y khoa mà giỏi thì sau này có thể đi giảng dạy được, rồi hành nghề nhiều năm, tiếp xúc nhiều cảnh đời, lại có tâm hồn thì có thể viết lách được. Tôi thi vào Y khoa, đồng thời ghi danh học Văn khoa, và sau này còn học cả Xã hội học ở Đại học Vạn Hạnh. Tóm lại, tôi đã thực hiện được ước mơ thuở nhỏ của mình là vừa làm nghề y, vừa đi dạy, vừa viết lách…
        Anh nghĩ gì khi được nhiều độc giả yêu mến như thế?
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Có lẽ do cách viết của mình. Tôi chỉ viết những gì mình thực sự trải nghiệm. Viết là cách chia sẻ kinh nghiệm chứ không phải từ sách vở mà ra. Khi viết, tôi luôn tưởng tượng như có độc giả đang ở trước mặt mình và đang trò chuyện với mình... Có lẽ kiểu viết như thế làm cho người đọc cảm nhận được người viết và độc giả có sự gần gũi, chia sẻ, trao đổi một cách chân thành với nhau, không kiểu cách, xa lạ.
        Tôi viết Nghĩ từ trái tim và một số bài về kinh Kim Cang gần đây trên Văn hóa Phật giáo... Trước hết là để tự chữa bệnh cho mình và sau đó giúp ích phần nào cho bạn bè, đồng bệnh tương lân. Có lẽ vì thế mà được độc giả yêu mến chăng?
        Dưới cái nhìn của một bác sĩ và một người đã thể nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, anh có thể cho biết quan niệm của anh về mối quan hệ giữa thân và tâm?
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Nguy cơ lớn nhất của ngành y hiện nay là đi quá sâu vào kỹ thuật mà tách cái thân khỏi cái tâm, thậm chí trong cái thân lại chẻ nhỏ ra thành những mảnh thân nhỏ hơn nữa để đi chuyên sâu. Điều đó có lợi về mặt khoa học nhưng lại làm cho con người không còn toàn vẹn nữa.
        Thật ra thân và tâm không thể chia chẻ được vì không thể nào có cái thân mà không có cái tâm và ngược lại: hai cái đó vốn là một. Với cái nhìn như vậy những bệnh thường gặp trong xã hội hiện đại chính là những bệnh tâm chuyển qua thân. Bệnh do lối sống, do hành vi cũng chính là nó.
        Một người thầy thuốc khi chữa bệnh cho bệnh nhân, nếu chỉ thấy cái thân bệnh, mà không thấy cái tâm bệnh, tức là thấy cái “đau” mà không thấy được cái “khổ” của họ thì không thể chữa thành công. Đó chính là lý do mà hiện nay, ngành y khoa tâm – thể (médecine psychosomatique) dần phát triển trở lại. Các trung tâm y khoa lớn ở các nước phát triển đã đưa thiền, yoga vào chữa bệnh rất có hiệu quả.
        Ngành y, trong hướng phát triển tới cần phải quan tâm nhiều hơn nữa về mảng tâm thay vì chỉ quan tâm tới thân như hiện nay!
        Anh có thể kể một vài trường hợp “bệnh do từ tâm bệnh chuyển qua thân bệnh” mà anh nhớ nhất?
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Nhiều lắm! Hai thứ “bệnh” này luôn gắn bó mật thiết với nhau. “Bệnh” luôn đi với “hoạn”, cũng như “đau” luôn đi với “khổ” vậy! Khi tiếp xúc với một bệnh nhân, tôi luôn tìm hiểu thêm những nỗi băn khoăn, sợ hãi, lo lắng của họ bên cạnh bệnh chứng. Điều trị như vậy mới có thể toàn diện được.
        Nhiều khi trên lâm sàng rất rõ là bệnh loét dạ dày, bệnh tim mạch nhưng nguyên nhân sâu xa của nó lại là do những stress chất chồng trong đời sống của họ, những ganh ty, ghen tuông, những bất an, bất mãn...
        Một bà mẹ đang cho con bú chẳng hạn mà khổ vì ghen thì sẽ bị mất sữa đột ngột. Bác sĩ cho thuốc làm tăng tiết sữa vô ích, vì phải chữa ở... ông chồng! Một đứa trẻ bị đái dầm, nguyên nhân xâu xa lại là do sự ganh tị với đứa em mới sanh, cảm thấy cha mẹ bỏ rơi mình nên kêu gọi sự quan tâm của họ bằng cách... đái dầm như thế. Trường hợp này phải chữa cho cả nhà! Đấy là những thí dụ cụ thể để thấy sự gắn bó giữa thân và tâm.
        Trong một bài trên Văn hóa Phật giáo, anh đã viết: “Sữa mẹ là những tế bào thân xác mẹ vỡ ra mà thành”. Nhận định này đến từ cảm xúc của một người viết văn hay là từ cái nhìn của một bác sĩ y khoa?
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Nhận định này xuất phát từ sinh học. Trong cơ thể ta, từng giây từng phút có sự thay đổi, một số tế bào mất đi và tái tạo những tế bào khác. Những tế bào tạo ra sữa mẹ là loại tế bào tuyến khi căng đầy thì vỡ ra và trút hết những chất bổ dưỡng tạo thành sữa. Do vậy sự chia sẻ giữa người mẹ với con thông qua sữa đi xuyên qua những tế bào, và do đó, tình mẹ con trở nên đặc biệt hơn bất kỳ tình cảm nào khác trong các mối quan hệ xã hội.
        Như vậy, mỗi thay đổi của người mẹ đều có ảnh hưởng đến đứa con?
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Điều đó là chắc chắn. Ở Đông phương chúng ta có một từ rất hay là “thai giáo”, tức là giáo dục đứa bé ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Những ông bố, bà mẹ ý thức được điều đó thì trong thời gian mang thai không nói nặng lời với nhau, tránh mọi sự xung đột căng thẳng vì đứa trẻ từ tháng thứ tư trở đi trong bụng mẹ đã nhận biết được điều đó…
        Ở miền Trung có câu nói: “Con vào dạ, mạ đi tu” cũng mang ý thai giáo đó.
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Vâng, khi người mẹ mang thai thì người mẹ phải chuyển hóa chính mình để nuôi dưỡng tâm hồn của đứa con.
        Vậy anh có thực tập Thiền?
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Tôi có thực tập theo cách riêng của mình, phù hợp với mình. Từ góc độ y sinh học, tôi nghiền ngẫm, thể nghiệm, và lý giải được phần nào ý nghĩa sâu thẳm của thiền nên tôi rất tin tưởng để áp dụng vào điều trị những vấn đề sức khỏe của tâm,thân. Nhờ thiền mới có định, nhờ định mới có tuệ, nhưng theo tôi, tuệ cũng dẫn đến thiền và định. Giới định tuệ như một tam giác cân, có nhiều chiều tác động qua lại lẫn nhau, tùy cách tiếp cận và thực hành phù hợp cho mỗi cơ địa.
        Nhìn từ góc độ y sinh học, ta hiểu tại sao ngày nay nhiều trung tâm y học lớn trên thế giới đã sử dụng thiền, yoga để chữa tâm bệnh một cách có hiệu quả trong khi chính phân tâm học cũng không giải quyết được rốt ráo vấn đề.
        Sự tiến bộ của khoa học sinh học dần giải thích được những khám phá tuyệt vời của người xưa. Chẳng hạn ta hiểu sự hô hấp chính là hô hấp tế bào – có thể gọi là “thâm” hô hấp – nên trong khi thiền định nhu cầu tiêu thụ oxy sẽ giảm đi, hiện tượng oxyd hóa do đó cũng giảm, làm chậm tiến trình lão hóa. Những người thực sự tu hành thấy lâu già và có sức khỏe bền bỉ là nhờ vậy!
        Nhiều người lo lắng rằng, nghiên cứu kinh điển và áp dụng kinh điển vào cuộc sống, thực tập thiền sẽ khiến con người bỏ bê cuộc sống, thờ ơ với sự nghiệp, đe dọa tới cái hạnh phúc thông thường và niềm vui sống của đời người...
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Trái lại, tôi thấy nghiên cứu, ứng dụng và thực tập thiền làm cho cuộc sống của mình uyển chuyển, nhẹ nhàng, thanh thản, vui sống hơn và hạnh phúc hơn. Nhờ bớt vướng bận, mình dễ sáng suốt hơn, nhờ tập trung tốt và ít hao tổn năng lượng vô bổ, công việc của mình dễ có hiệu năng hơn. Riêng đối với sức khỏe cũng thấy được cải thiện nhiều hơn.
        Nhìn lại những chặng đường đã qua, anh thấy ý nghĩa cuộc sống với anh như thế nào?
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Cuộc sống là một điều kỳ diệu, từ việc ông bà, cha mẹ mình "bỗng dưng" gặp gỡ nhau để rồi tạo nên sự hiện hữu của mình. Vì thế, phải sống sao cho có hạnh phúc và sao cho có ích. Như vậy, mới tạo được sự an lạc cho bản thân mình và cho người khác, cho cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
        Trở lại chuyện “hít thở”, tôi nghĩ rằng, bầu khí quyển này là bầu khí quyển chung, không thêm không bớt, các sinh vật từ con thằn lằn, tắc kè... cho tới cây cỏ cũng hô hấp như mình. Do vậy, tất cả các sinh vật đều có “duyên nợ”, gắn bó với nhau, chia sẻ với nhau, vì thế mình phải đối xử cao cho phải với tất cả! Mọi người nhận thức được như vậy thì chúng ta sẽ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ một xã hội an bình, hiểu rằng mình với người không khác biệt, mình với thiên nhiên không khác biệt. Điều này mang lại hạnh phúc cho cuộc sống và cũng chính là ý nghĩa của cuộc sống.
        Thưa anh, anh có thể nói một chút về ý nghĩa của đời sống gia đình?
        BS Đỗ Hồng Ngọc: Gia đình là cái nôi đầu tiên của một em bé và sẽ còn tiếp nối là cái nôi trong suốt cuộc sống của mỗi con người. Nếu gia đình bền vững, hạnh phúc, thì con cái sẽ có chỗ dựa. Cuộc sống bây giờ nhiều gia đình bị lệch hướng, bị xáo trộn, sẽ có ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ thơ và từ đó gây bất ổn cho xã hội. Vì thế, cần thiết phải xây dựng gia đình thành tổ ấm để làm chỗ dựa cho tất cả mọi thành viên.
        Cảm ơn anh đã dành cho bạn đọc buổi trò chuyện thú vị này.

 
         Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc:
        Tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn 1969, chuyên khoa Nhi, tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ và Giáo dục sức khỏe lại CFES, Paris, Pháp, nguyên Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 và giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TP.HCM, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP. Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe. Trung tâm đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Y tế thành phố.
 

Tác giả bài viết: ĐỨC SƠN & TRÀ MI (thực hiện)

Nguồn tin: www.phattuvietnam.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây