Trường Sinh Học Dưỡng Sinh

http://www.truongsinhhocds.com


Thiền

Thiền
Thiền không phải là một tôn giáo, một học thuyết, một quan niệm, những cái gì cấu tạo bằng ảo giác, bằng suy luận, bằng những ý niệm, trừu tượng mơ hồ. Thiền cũng không phải là một môn triết học hay khoa học với tất cả hệ thống, cơ cấu tổ chức của nó.

       Thiền là một danh từ tạm dùng để ám chỉ một tâm thái hoàn toàn sáng tạo, một tâm thái thường trực, bất biến, phi thời gian, ngoài mọi xung đột, ngoài mọi suy tưởng lý luận và không có một biến động nào trên đời này có thể xâm phạm được. Và, ta chỉ có thể đạt đến tâm thái này bằng hành động, bằng sự thể nghiệm thân chứng của chính cá nhân, chứ không thể bằng những cuộc thảo luận qua ngôn từ, sách vở.


 
        Do đó, thiền đòi hỏi ta phải thực nghiệm và muốn hiểu thấu, ta phải thực sự sống với chính mình, đào xới và đi sâu vào tâm hồn mình. Phải tự thực nghiệm và thân chứng cái tâm thái tự do và an nghỉ đó chứ không phải là lý luận suông. Lý luận bàn cãi không phải là con đường đi đến thiền. Thiền không bảo ta tìm định nghĩa mà tìm bằng lối Thiền thực nghiệm. Mọi định nghĩa đều nông cạn và phù phiếm, mọi suy luận đều luẩn quẩn và chỉ tạo ra những ảo giác. Thực ra danh từ Thiền chỉ là một tiếng rỗng tuếch, không có liên hệ gì với cái tâm thái tự do an nghỉ của chúng ta. Tâm thái đó không có hình thù tên gọi. Danh từ Thiền là tiếng dùng để tạm ám chỉ. Dù cho có gọi là gì thì nó cũng vậy thôi, không thêm, không bớt. Nếu thích, ta có thể gọi nó là Phật, là Thượng đế, con bò, cục đất,… hay bất cứ cái gì, tùy ý. Danh từ là vật chất. Ta hãy lắng nghe lại lòng mình và quên hết lời đi. Như ngón tay chỉ mặt trăng, lời nói được tạm dùng để gói ghém cái Ý CHÍ.
        Đừng bao giờ để danh từ trở thành một nhà tù giam hãm tâm trí hay làm vướng bận bước chân trên đường giải thoát của ta. Tham thiền rất khó! Nó đòi hỏi nơi hành giả một sự tự giác cao độ. Tham thiền đúng nghĩa là người đã đạt được trình độ kiến tánh (trong pháp môn kiến tánh thành Phật) tức là tỏ ngộ được tâm thái tĩnh lặng bất biến, tự do và an nghỉ tuyệt đối với mình cũng như với vũ trụ vạn vật. Sự tỏ ngộ đó sẽ soi sáng, hướng dẫn ra mọi hành vi tư tưởng, mọi động tác bé nhỏ trong mọi sinh hoạt hằng ngày và vì nằm trong cái tâm thái tỏ ngộ mà lúc nào ta cũng thiền. Thiền trong mọi giây phút, mọi động tác và mọi sinh hoạt, ngay cả khi ăn tắm, ngủ hoặc đấu võ hay đấu kiếm. Chính sự tỏ ngộ, sự trực nhận ra cái tâm thái tĩnh lặng, tự do và an nghỉ tuyệt đối nơi mình, đó là khởi điểm của Tham thiền, là chìa khoá để mở cửa Thiền và chỉ khi nào tỏ ngộ trực nhận ra cái tâm thái đó nơi mình thì lúc đó ta mới thực sự hiểu biết Thiền là như thế nào.
        Chưa tỏ ngộ, trực nhận ra cái tâm thái tĩnh lặng, tự do vô biên nơi mình thì chưa thật sự tham thiền, mặc dù ta có thể nói Thiền này, Thiền nọ, luôn miệng, đôi khi viết cả sách Thiền để dạy thiên hạ, nhưng bất quá chỉ là Thiền danh từ. Ta vẫn còn đứng ngoài ngưỡng cửa Thiền, mọi hành vi, mọi tác động của ta dầu có tinh vi khôn khéo đến đâu cũng chỉ là tính toán, dò dẫm của ý thức và không thể tránh khỏi vụng về dại dột, lầm lẫn và xung đột. Khi tỏ ngộ được tâm thái tĩnh lặng đầy tự do an nghỉ nơi mình rồi thì cuộc sống của ta tràn đầy ý nghĩa, mọi hành vi động tác của ta đều được soi sáng đúng mức. Một nhãn quan mới về nhân sinh, vũ trụ được mở ra, cõi đời này sẽ không còn là biển khổ, một bức tranh gớm ghiếc, mà là một bức họa, một cuộc hợp tấu tuyệt vời. Ta sẽ nhìn đời bằng cặp mắt bình đẳng tràn đầy tình yêu cuộc sống trên cao độ “siêu ý thức”. Khi cánh cửa Thiền mở rộng, ông thầy sẽ lùi bước không còn ai làm thầy ta được nữa, cũng chính ta nhận thấy rằng mình không thể làm thầy ai, tiếng thầy trò chỉ là giai đoạn.
        Sau khi cánh cửa Thiền đã bật mở (tự tỏ ngộ siêu ý thức) thì ông thầy không còn chỗ đứng nữa. Mọi sự giúp đỡ đều trở nên thừa và chẳng còn ai để can thiệp sau cánh cửa này. Từ đây ta phải tự lo liệu lấy mình, phải cất bước độc hành. Có thể còn những cuộc chiến đấu đấy, nhưng dù phải chiến đấu ta vẫn luôn luôn được sáng tỏ và không bao giờ bị lạc hướng. Ta đã có bản đồ và kim chỉ nam là sự liễu ngộ. Giống như chim đại bàng, dù phải trải qua những cơn bão tố thì cũng không thể chui vào bụi rậm để sống như chim chích chòe, rồi cuối cùng cũng vỗ cánh bay về an nghỉ trên đỉnh núi xa xăm cao vút, cách biệt với thế sự thăng trầm. Có một điều đáng nói là tất cả những ai có được một lần tỏ ngộ, một lần bật mở cánh cửa Thiền, dù chỉ một lần và chỉ trong một khoảnh khắc thôi, là không thể nào quên được không khí đó, và sớm muộn gì người ấy cũng tìm đến cái cội nguồn an nghỉ đó.
        Dù thế nào rồi rốt cuộc cũng vẫn thấy đó là mục tiêu đích thực của cuộc đời. Một mục đích phải đến trong thân phận làm người và thế nào cũng đến chứ không thể khác hơn, khi cá nhân được chuẩn bị chu đáo, tâm trí đạt đến cường độ đầy đủ trọn vẹn thì công việc cuối cùng còn lại chỉ là chờ đợi cái giây phút mà Thiền học gọi là KHAI THỊ. Ngay trong khoảnh khắc được khai thị đó cá nhân tức khắc lọt vào Thiền. Một con người mới với tất cả nhãn quan vũ trụ mới bộc lộ, tức là đồng chất với CHÂN LÝ. Sự khai thị không nhất thiết phải công việc của ông thầy, một bậc tôn sư Thiền đức, dù điều này thường xảy ra. Có thể chỉ cần một tiếng suối reo, một cơn gió thoảng, một chiếc lá rơi, một cành cây khô gãy,… Khi đó, cá nhân thức giấc, vụt thoát khỏi cơn mộng trường, tỏ ngộ và thân chứng chân lý, trực nhận ra cái tâm thái tự do sống động, bất biến và tràn đầy tĩnh lặng nơi mình (mình là vũ trụ, vũ trụ là mình).
        Nếu được chuẩn bị chu đáo thì ngay giây phút tỉnh thức đó, có lẽ cá nhân không còn phải chiến đấu nữa, mà an nghỉ trọn vẹn trước tâm thái hoàn toàn tự do tĩnh lặng vô biên đó. Một cơ chuyển hóa toàn diện xảy ra đưa ta đồng nhất với chân lý. Như vậy, trước khi khởi cuộc hành trình trên con đường diệu vợi này, ta sẽ có một bản đồ và kim chỉ nam trong tay, đã rõ những nét của lộ trình sắp tới, thấy rõ nơi ta phải đến. Muốn qua biển ta phải dùng bè, để chứng ngộ cái tâm thái đó, ta phải chuẩn bị cá nhân cho chu đáo, phải tự đào xới tâm hồn mình, chuẩn bị con người mình trong tư thế chờ đợi giây phút tỉnh thức tuyệt vời đó. Sau đây, là những phương cách chuẩn bị cá nhân, những phương pháp này được xem như những nhịp cầu tạm thời ráp nối để đưa ta sang bờ bên kia.
        Hẳn nhiên cứu cánh nằm trong phương tiện, các nhịp cầu phải được đặt đúng địa điểm phương hướng mới đưa được con người đến nơi đã định. Nhưng nếu cho nhịp cầu là chỗ đến cũng sai. Còn gì dại dột hơn khi bước lên cầu rồi chẳng chịu sang sông, cứ lo đứng ngắm nghía khen ngợi cây cầu và xây tổ ấm luôn trên đó. Dù cho đẹp đẽ tân kỳ, cầu chỉ tồn tại trong một thời gian rồi cũng hư mục… Các phương cách này chỉ là cách thức chuẩn bị nội tâm, nhằm đi đến tư thế chờ đợi phút giây tỉnh thức, tỏ ngộ tâm thái tự do, an nghỉ. Chỉ có thể những người uống nước, nóng lạnh, giây phút đó sẽ biết, chẳng có gì để nói cả. Mọi luận giải để tạo ra ảo giác sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện nội tâm ta, chứ không đi đến đâu hết. Trong cuộc hành trình, còn nhiều chuyện để nói, nhiều chi tiết sẽ đi sâu vào. Bây giờ mời qúy vị lên đường…
        Lên đường ở đây là lắng nghe, nghe lại lòng mình, áp dụng những lời sau đây bằng ý thức, cảm giác, động tác, tư thái, chứ không bằng lời nói lặp đi lặp lại trong cái trí nhớ. Thiền là trực chỉ nhân tâm. Muốn hiểu Thiền, phải thực nghiệm, phải tìm lời giải thích bằng thân chứng chính mình, chứ không phải chạy theo ngôn từ của kẻ khác, cho dù kẻ đó là đức Phật hay bất cứ ai.

Nguồn tin: Sưu tầm.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây