Trường Sinh Học Dưỡng Sinh

http://www.truongsinhhocds.com


Nơi còn lại tình người

Trong nghề viết phóng sự lang thang từ biển lên rừng ở Nam Tây Nguyên, tôi thường ghé xin “ăn nhờ, ở đậu” tại các khu lao động nghèo. Ở đó, tôi đã thấy không ít gia đình treo trong nhà bức ảnh ngài Đasira Narada, Sư Tổ phái Dưỡng sinh Trường Sinh học, đang chống gậy đi tìm bình yên phía trước. Cũng các nơi ấy, bà con nhắc đến thầy Mai ở Bình Dương, chú Năm Râng, chú Ba Được ở Bình Định,... đã hướng dẫn phương pháp ngồi thiền thu năng lượng của đất trời, cứu sống những người bị bệnh viện trả về như huyền thoại.
Nơi còn lại tình người

Lễ ra mắt CLB Dưỡng sinh Cộng đồng TP Bảo Lộc.

 

       Anh trai tôi làm việc trong ngành ngoại giao. Anh thông thạo nhiều ngoại ngữ và sống, làm việc nhiều nước trên thế giới. Từ lúc về hưu gặp được cao nhân về Thiền, anh hội nhập một cách nhanh chóng rồi trở thành một “tín đồ ngoan đạo”. Mỗi lần gặp tôi, anh say sưa giải thích tính minh triết về thiền. Anh nói: “Trường phái dưỡng sinh bằng năng lượng sinh học là kết hợp sự luyện tập giữa con người với vũ trụ mang kết quả rất tốt. Đời người trước sau gì cũng trở về với đất nhưng trở về trong trạng thái bình yên là lý tưởng nhất”.

       Tôi không biết anh luyện tập thế nào, mà từ ngày anh trở thành “tín đồ” người anh khỏe ra, da dẻ hồng hào hơn, mọi căn bệnh trước kia ra đi không hẹn ngày về. Tôi quý và tin anh nhiều việc, nên thử thời vận bằng cách ghi tên học lớp ngồi thiền theo trường phái của Tiến sĩ Đasira Narada (1846 – 1924), một con người thành đạt và thông tuệ gốc Sri Lanka. Lớp học được tổ chức tại nhà riêng một người thiện nguyện tại xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng do chú Năm Râng từ Bình Định vào hướng dẫn, với mục đích chính là tìm kiếm tư liệu và hình ảnh trải nghiệm để viết phóng sự.

       Trước khi quyết định đăng ký học lớp dưỡng sinh, tôi nhân tiện ghé thăm vài lớp ngồi thiền tại Bình Thuận, Ninh Thuận và Đắk Lắk để dò xem an ninh, phong cách giảng dạy, sự thành tâm cũng như kết quả của người tham gia. Gần như các lớp học, nơi tôi đến đều có khá đủ các thành phần xã hội. Có lần một người trong nhóm tổ chức lớp (những học viên lớp đàn anh), thì thầm vào tai tôi: “Cái ông tóc ngắn ngồi ở hàng thứ ba là Công an đấy, ông tròn tròn ở hàng giáp cuối là cán bộ “thứ dữ” đó, ông mặc áo trắng hàng thứ nhất là bác sĩ đó…”.

       Thôi thì đủ các tầng lớp xã hội, nhưng nhiều nhất vẫn là dân nghèo. Bởi những con người nghèo khó này, khi đối mặt với đau ốm, nhất là rơi vào các căn bệnh hiểm nghèo thì đi bệnh viện là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để gia đình tan gia bại sản đến mức khánh kiệt. Vì thế, họ chọn ngồi thiền là giải pháp cuối cùng, may ra còn nhà cửa để lại cho người sống.

        Trường Sinh học Dưỡng sinh

       Người viết bài này được diễm phúc gặp ông Năm Râng, quê ông ở tận xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, Bình Định. Gia đình ông Năm không khá giả gì, ngôi nhà lợp ngói, vách trét đất, xung quanh có khoảng 20 cây dừa và 30 cây chuối,... Ông Năm Râng làm ruộng kiêm thợ mộc, sống ở vùng nông thôn.

 

Năm Râng


Ông Năm Râng.


       Hơn 20 năm trước ông Năm Râng bị chứng xơ gan cổ trướng, tưởng chừng như đã thấy phần kết của đời người. Rồi nhờ người mách bảo phương pháp dưỡng sinh của thầy Trần Văn Mai ở Bình Dương, ông khăn gói lên đường vào Nam tìm đường sống.

       Cuối cùng, duyên may ông khỏi bệnh. Để giúp đời, ông tiếp tục học tập nâng cao với hy vọng giúp đỡ những người nghèo lâm vào bạo bệnh như ông. Hiện nay tại nhà số lượng người đến nhờ ông khai mở luân xa (huyệt đạo) khá đông, có lúc lên đến cả vài chục người từ khắp mọi miền đất nước.

       Nhân lúc rảnh rỗi, ông Năm Râng kể tôi nghe về môn Trường Sinh học Dưỡng sinh. Ông cho biết: “Theo Tổ Sư Đasira Narada: Con người là một tiểu hành tinh nhỏ tồn tại trong vũ trụ bao la. Từ lâu, Y học phương Đông đã phát hiện ra trên cơ thể người có rất nhiều điểm, khi châm kim vào có thể chữa được hầu hết các bệnh. Người ta tập hợp các điểm đó thành 365 huyệt, nằm trên 12 đường kinh chính. Khi khai thông các huyệt đạo, những khả năng tiềm ẩn của con người được đánh thức, chúng sẽ thu năng lượng không gian, cân bằng về trạng thái âm dương. Từ đó, khai thông được bế tắc, bệnh tật được đẩy lui, cơ thể trở nên khỏe mạnh”.

       Hiện nay, môi trường bị ô nhiễm, nguồn thực phẩm để nuôi sống con người bị thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, đã làm cho bệnh tật phát sinh. Tình trạng các bệnh viện quá tải, chưa thể đáp ứng hết yêu cầu điều trị nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy việc luyện tập dưỡng sinh ứng dụng để giúp bà con trở thành thầy thuốc tự chữa bệnh cho chính mình là rất cần thiết.

       Nhiều người đến đây hay nói vui: “Thời còn trẻ, mình bán sức khỏe để mua vàng, còn khi về già bán vàng để mua sức khỏe”. Nhưng không phải ai về già cũng có vàng để bán, như tôi đây không có miếng vàng nào hết (ông Năm cười vui). Tuy nhiên để chiến thắng bệnh tật phải kiên trì ngồi thiền, được khai mở luân xa đúng cách. Trước khi ngồi thiền, hai bàn tay ngửa ra, 4 đầu ngón tay chụm lại, đặt lên đầu gối. Hít vào bằng mũi thật sâu, thở ra bằng miệng thật nhẹ đủ 3 lần, sau đó, chìm vào tĩnh lặng tuyệt đối để cơ thể tự vận hành đào thải ra khí độc.

       Theo nghiệp thiền, nhất là người hướng dẫn phải tuân theo lời thề với Sư Tổ là không vụ lợi, không sống bằng tiền của người bệnh. Có một cách để kiểm tra xem người ta có phải là người của môn phái này là xem họ có thu tiền của học viên hay không (!?). Tất cả các môn đệ của ngài đều tuyên thệ: Nếu làm sai lời sẽ bị trời tru đất diệt, không bao giờ lấy tiền, quà của người bệnh, dưới bất cứ hình thức nào. Chúng tôi mang tâm sức ra giúp bà con để trả ơn người, ơn đời.

       Ngồi thiền rất khoa học, không có gì thần bí cả. Vì thế đã có hàng trăm người thoát khỏi bệnh tật hiểm nghèo, không tốn tiền thuốc hay phải đi lại, mình tự điều trị tại nhà mà!” – ông Năm Râng lặng lẽ giải thích theo tuýp người hiền sĩ, không phóng đại hay đánh bóng như các ông thầy lang tôi đã từng gặp.

        Người giữ lửa cho đời

       Đã mấy lần anh Nguyễn Tấn Quang, cựu Công an xã Đại Lào động viên tôi đi học lớp ngồi thiền dưỡng sinh. Anh nói: “Ngày trước mình làm Công an viên, kiêm tổ trưởng đường điện cấp thôn, không hiểu vì sao lưỡi răng đều lở, ăn uống rất khó, đến nỗi không trèo được trụ điện. Sau khi nghỉ việc, mình ra Bình Định học lớp ngồi thiền, bây giờ đỡ hẳn. Ông coi, 60 tuổi mà còn trèo được trụ điện ngon ơ!”. Anh còn co quắp tay lên chứng tỏ là người khỏe mạnh.

       Để minh chứng cho kết quả ngồi thiền, anh dẫn tôi sang nhà bà Nguyễn Thị Diệp cách nhà anh vài trăm mét. Đó là một gia đình người Quảng Ngãi vào đây sinh sống vài chục năm. Ngôi nhà xây cấp 4, trước nhà đầy cây kiểng và hàng rào cao đứng sừng sững lên trời. Điều đặc biệt trong nhà của bà, ngoài tấm ảnh của Sư Tổ Đasira Narada còn có bảng ghi điều răn của phái Thiền và lịch sinh hoạt của gia đình như đồng hồ sinh học. Khi được hỏi vì sao anh chị đến với thiền.

 

ông bà Quốc


Vợ chồng ông Quốc.


       Ông Quốc (chồng bà Diệp) nhớ lại: “Bây giờ nhắc lại chuyện xưa như là cơn ác mộng. Năm 2006, bà nhà tôi bị chứng lở lưỡi, lúc đầu chỉ là một đốm nhỏ ở đầu lưỡi dần dần lan rộng đến tận cuống họng, sau đó mọc lên đầy hạt như hạt bắp, đau nhức đến mức không ăn được, tôi dẫn bà ấy đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Hồ sơ bệnh án mang về nhà chất cao 4 tấc, bệnh viện ung bướu sợ hoại tử lan rộng nên cho cắt đầu lưỡi, rồi nhổ hết răng”.

       Ông Quốc quay sang vợ nói rặt giọng Quảng: “Bà lè lưỡi cho ổng xem đi để ổng thấy!”. Bà Quốc ngoan ngoãn nghe lời chồng há miệng lè lưỡi còn lấy tay chỉ nơi cắt vào năm 2006. Ông tiếp tục: “Lúc đó, tiền bạc của cải trong nhà đã cạn kiệt, Tây y thì bất lực, nhưng với quyết tâm gia đình bằng mọi giá phải giành giật mạng sống. Thằng con trai cả của tôi cõng mẹ đến 94 ông thầy thuốc Đông y. Vì không ăn được, chỉ uống sữa và nước bò húc, nên lúc đó bả còn 29 ký, da bọc xương”.

       Ông Quốc chỉ tay ra đầu hè: “Nói có sách, mách có chứng. Thuốc Bắc, thuốc Nam sau khi nấu còn chứa một thùng phuy bã, vỏ nhôm bò húc còn hai bao nằm kia”. Nhưng đời người có số, gặp được bà Trung Ửng hàng xóm, bà ấy là người tốt, lại vừa học lớp ngồi thiền ở Bình Định về. Bà Ửng hàng ngày đến truyền năng lượng, rồi đề nghị ra Bình Định học ngồi thiền, mở luân xa, may đâu cứu được.

       Ngày hôm sau, thằng con đầu của tôi cõng mẹ lên đường. Nó cõng mẹ nó đến nhà chú Năm Râng ở Bình Định. Kết quả từ ngồi thiền mở luân xa, một tuần sau bả ăn được cháo, rồi 2 tuần ăn được cơm nhão, lưỡi không còn đau nhức đến tận bây giờ”.

       Tôi quay nhìn bà Quốc, bà lặng yên ngồi đấy với đôi mắt long lanh nghe chồng kể chuyện về bệnh tật của mình. Nhưng khi được hỏi về nỗi thống khổ của người bệnh, bà ầng ậng nước mắt: “Lúc ấy, tôi quá tuyệt vọng, đối mặt với cái chết, đến nỗi cho tổ chức đám cưới con trai để chạy tang. Vì anh biết tôi từ 48 ký tụt xuống chỉ còn 29 ký, không ăn được, không ngủ được, thời gian bệnh tật kéo dài, sự sống được tính bằng ngày… Thế mà tôi sống đến hôm nay một cách thần kỳ, chỉ có ngồi thiền, định tâm ngay tại nhà mình. Nơi góc nhà bình yên lặng lẽ ấy, cái tâm của mình kết hợp với năng lượng thiên nhiên, tạo thành sức mạnh đẩy lùi bệnh tật” – bà Quốc nói với tôi trong nước mắt.

 

Thân Thị Ửng


Bà Thân Thị Ửng.


       Sáng hôm sau, tôi và anh Quang đến nhà bà Thân Thị Ửng, một người phụ nữ nông thôn còn giữ được bản chất của thế kỷ XX. Bà Ửng sinh năm 1931 tại Bình Định, con liệt sĩ thời kháng chiến, bà tham gia lực lượng vũ trang cách mạng đến năm 1970 bị địch bắt trong một trận càn, sau đó bà trải qua các nhà tù rồi được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973. Trong chuyến đi từ Lộc Ninh ra Bắc, xe bị lật, tổn thương cột sống, bà trở thành người tàn phế kéo dài mấy năm liền. Sau này có gia đình cộng với sức khỏe do sống nhiều năm trong lao tù, chứng đau cột sống tái phát, bà trở lại tật nguyền.

       Đường vào nhà bà Ửng đầy gió quyện dưới chân đồi trà cà phê, những rặng tre trúc hai bên đường lao xao như chào đón khách. Căn nhà lợp tôn, vách xây xi măng thấp lè tè tối sáng như những ngôi nhà nghèo của vùng Nam Tây Nguyên. Tiếp chúng tôi, bà ngồi bệt trên nền đất trong lặng lẽ, cách nói chuyện nhân từ, không khoa trương, cũng không cố làm ra vẻ giản dị.

       Với giọng đặc sệt Bình Định, bà Ửng kể về đời mình: “Tui đến với thiền cũng như những người bệnh khác. Thường khi đau ốm người ta nghĩ đến bác sĩ, bệnh viện, khi điều trị không có kết quả hoặc hết tiền, hết của mới tìm đến thiền. Thực ra tui đến với thiền từ bà chị dâu. Chị bệnh nặng đến mức chờ chết muốn đi xa phải chở bằng xe bò, vì nhà không còn gì để bán. Cuối cùng, chị gặp được ông Năm Râng nhờ thiền khỏi bệnh, nay có thể đi cắt cỏ gánh về nhà cho bò ăn. Tuy nhiên để ngồi thiền thành công không phải dễ dàng, lúc đầu đau đớn toàn thân, mình phải cắn răng chịu đựng có khi nước mắt hòa lẫn với tủi thân. Mỗi lần đau như thế, tui nhớ lại thời mình ở tù, bị địch bắt tra tấn. Ngày trước ác liệt như thế mình còn chịu đựng được huống hồ như bây giờ. Từ năm 2006 đến nay, tui không tốn tiền thuốc nữa, tui có thể làm vườn và cùng phụ hướng dẫn mọi người tập luyện”.

       Tôi quý bà Ửng, một phụ nữ nghèo, què quặt nhưng sống hết lòng với bà con hàng xóm. Bà học qua cấp 5 của môn thiền Trường Sinh học, nên luôn mang năng lượng truyền sang người ốm. Hàng xóm có người nhờ, dẫu nửa đêm gà gáy bà cũng đi. Ở ngôi chợ nông thôn này, ai cũng biết bà Ửng. Lúc thì đội bó rau, lúc thì thúng gừng, thúng nghệ ra chợ bán. Toàn bộ là rau, củ sạch không có hóa chất chết người. Ngôi nhà của bà là điểm đến của những người ngồi thiền cũng là nơi tổ chức các lớp học thiền.

       Trong các lớp học này, bà chẳng được bất kỳ huê lợi gì, nhưng cái được lớn nhất là sự trân trọng của bà con. Bà là người về hưu, mức lương ngang hàm Trung tá quân đội, nhưng không bao giờ công thần kể lể, khác với một số ông bà về hưu nhà to cửa rộng, cổng đóng then cài. Hàng ngày mang những tấm huân chương xanh đỏ trong tủ ra để dạy dỗ thiên hạ.

       Có những buổi chiều tà, thấy bà đi bộ liêu xiêu dưới hàng cau đến chia sẻ và hỗ trợ năng lượng cho người bệnh với tấm lòng thiện nguyện. Hình ảnh ấy làm trái tim tôi dợn sóng khi ngẫm nghĩ đến những người về hưu nhiều tiền nhiều của khác.

        Nơi của lòng nhân ái

       Nhân được học lớp ngồi thiền, tôi mới phát hiện 90% là người bệnh, từ bệnh đơn giản tới bệnh hiểm nghèo. Các anh chị lớp đàn anh hướng dẫn cách ngồi cách thở, họ cũng là những người một thời đau ốm. Trong đó có chị Kim Tú Dung, 60 tuổi, qua rồi những ngày chị khom lưng nấu thuốc Bắc bay tỏa mùi thơm, bây giờ mập tròn da dẻ trắng hồng như phụ nữ hồi xuân.

 

Đại Lào


Lớp hướng dẫn tập thiền ở Đại Lào.

 

       Anh Hưng ở gần cầu Đại Lào, ngày trước ăn nhậu bạt mạng, nhậu tới mức gan ruột vẫy tay chào tạm biệt. Thế mà từ lúc tham gia lớp ngồi thiền được mọi người giúp đỡ, anh bỗng trở thành một con người khác. Hình ảnh một ông say rượu đi ngã tới ngã lui mắt đỏ ngầu nhổ nước bọt tung tóe đã chết trong lòng mọi người. Bây giờ anh là một người mạnh khỏe, có trách nhiệm nói năng từ tốn. Nếu chịu khó thống kê có thể đến vài chục người.

       Tuy nhiên, ngồi thiền không chỉ đơn thuần là luyện tập trở thành “bác sĩ” tự chữa bệnh cho chính mình mà còn rèn luyện tính bền bỉ, thông tuệ. Đa số những người từ cấp 4 trở lên gần như chuyển sang con người khác. Họ nói năng nhẹ nhàng, quan tâm đến bệnh tật người khác, không ngồi tập trung nói xấu người vắng mặt, họ tìm cái tốt của nhau để gắn bó để chuyện trò. Điều tôi trân trọng là ai đó đạt đến từ cấp 3 luôn tự nguyện giúp đỡ người mới vào học về cách ngồi cách thở, lại còn dùng tấm long thiện nguyện của mình để hỗ trợ năng lượng vực dậy người bị ngã quỵ vì không ngồi được 60 phút trở lên.

       Nếu bạn vào nơi tập thiền, nghe những người nói to, nói xấu, nói móc người khác hoặc tự đánh bóng mình, bạn biết ngay họ mới luyện tập vài tháng. Người thành công về thiền, tâm bao giờ cũng tịnh, mắt bao giờ cũng sáng. Có thể trong quá trình thiền định họ loại tất cả sự ham hố, sân si, để tâm thức mình trở về với trời xanh mây trắng, trở về bản thiện của một con người hoặc đã trải qua những căn bệnh thập tử nhất sinh nên họ quý sức khỏe, quý người đang sống.

       Trong đời thường, bạn vào một lớp ngoại ngữ thấy ai đó nói tiếng nước ngoài “giả cầy” có nghĩa là có tiếng Việt xen lẫn tiếng Tây. Vào võ đường thấy ai đó lúc nào cũng co chân đấm đá hoặc nhóm văn nghệ sĩ chê văn của người này, thơ của người kia, đó là những người mới vào nhập môn. Lớp tập thiền cũng thế, vì đỉnh cuối của sự thành công bao giờ cũng đầy mồ hôi nước mắt mới đạt được thành quả. Mà người trở thành bậc thầy bao giờ cũng yên lặng “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.

 

        * * * * *

       Trong vài năm gần đây nhà nước công nhận Thiền học là bộ môn dưỡng sinh cộng đồng, cho phép mở các Câu lạc bộ Thiền, dưới sự quản lý của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật địa phương. Những người đau ốm có thu nhập thấp có nơi ngồi tập và tiếp năng lượng cho nhau. Tôi nhớ ông Năm Râng thì thầm trước bàn thờ Sư Tổ: “Nếu tôi ngồi thiền hết bệnh, tôi sẽ đem tâm lực của mình để giúp đỡ người đau ốm”. Trong giới thiền tịnh không có đẳng cấp, địa vị, giàu sang chỉ có cái tâm dành cho nhau. Vì ngồi thiền là dưỡng sinh trị bệnh, luyện tập thông tuệ. Và, trong thời gian theo học, tôi nhận ra rằng: “Chỉ có những người đã trải qua bệnh tật, mới thực sự hết lòng giúp đỡ người có cùng hoàn cảnh đau thương như mình”.

Tác giả bài viết: TRẦN ĐẠI

Nguồn tin: www.cstc.cand.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây