Trường Sinh Học Dưỡng Sinh

http://www.truongsinhhocds.com


Ngồi thiền giúp ổn định tâm lý cho người bị ung thư

Một người đang sống khỏe mạnh sau khi đi khám phát hiện bị ung thư rồi 1 tháng sau đó thì qua đời vì... suy sụp tinh thần. Đó là những câu chuyện chúng ta thường nghe thấy. Tất cả các chuyên gia sức khỏe đều khẳng định rằng, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng để giúp bệnh nhân vượt qua mọi bệnh tật, không riêng gì ung thư. Tại hội nghị quốc tế do Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ASCO) tổ chức vừa qua tại Chicago, các nhà khoa học, bác sĩ đã chỉ ra rằng, ngồi thiền là một phương cách tốt giúp tăng cường tâm lý cho người bệnh ung thư, qua đó kéo dài tuổi thọ người bệnh.
Ngồi thiền giúp ổn định tâm lý cho người bị ung thư

Ngồi thiền là một cách điều trị tâm lý tốt với các bệnh nhân ung thư.

 

         Người mắc bệnh ung thư sợ gì?

       Chẳng riêng gì bệnh ung thư, mỗi chúng ta hễ có bệnh là chán nản trong bất cứ hoạt động gì. Người bị bệnh ung thư lại thường quỵ ngã hơn, thứ nhất, đây là căn bệnh cho đến nay vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn như các bệnh khác. Thứ hai, quá trình điều trị bệnh ung thư thực sự là một cuộc chiến trường kỳ với bản thân người bệnh. Điều trị ung thư vừa lâu dài lại tốn kém, nên bệnh nhân thường mang tâm lý lo lắng về chi phí điều trị và những ảnh hưởng đến gia đình. Nhiều trường hợp bệnh nhân không muốn chữa trị vì lo tốn kém.

       Những tâm lý chung thường gặp ở người bệnh khi biết tin mình mắc bệnh ung thư là lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, thậm chí có thể rơi vào trầm cảm, hay cáu giận. Phát hiện mình bị ung thư có thể khiến bệnh nhân đau đớn và tuyệt vọng. Thời gian đầu, bệnh nhân thường hoang mang trong việc lựa chọn nơi điều trị. Trong quá trình điều trị, tâm lý chán nản cũng như lo sợ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, khiến bệnh nhân không ăn được nhiều và rơi vào tình trạng mệt mỏi, suy nhược. Phần lớn bệnh nhân ung thư sau khi kết thúc điều trị vẫn mang những vấn đề tâm lý nặng nề.

       Theo các nhà nghiên cứu Canada, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng để giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, tâm lý, tinh thần, ổn định là điều kiện tốt để nâng cao sức đề kháng của hệ miễn dịch. Có thể gọi đây là chính khí theo y học phương Đông. Hệ miễn dịch đủ mạnh sẽ chống trả thành công các nguyên nhân gây bệnh. Cuộc sống lo âu, cáu giận, mà nguyên nhân chính từ stress, góp phần làm suy giảm hệ miễn dịch. Theo các nhà nghiên cứu, không có thuốc nào chữa hết tâm trạng lo buồn, mà bệnh nhân tự điều chỉnh lối sống mới giải quyết tận gốc, giúp tinh thần thoải mái, an định.

        Liệu pháp tâm lý hỗ trợ bệnh nhân ung thư

       Hội nghị quốc tế ASCO năm nay tập trung vào “Xây dựng cầu nối đến với chiến thắng bệnh ung thư”. Hội nghị đã tập trung hơn 25.000 chuyên gia ung bướu khác nhau tới cùng giao lưu và trao đổi những vấn đề nóng bỏng, điểm khó khăn và kết quả nghiên cứu mới của ung thư trong hơn 1 năm qua. Tại hội nghị, nhiều nghiên cứu được trình bày cho thấy, ngồi thiền, thư giãn và giúp đỡ về tâm lý là những vũ khí hiệu quả giúp chống lại bệnh ung thư. “Giảm lo sợ và lo lắng cho bệnh nhân sẽ giúp người bệnh sống lâu hơn chúng ta tưởng” Jane Beith, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Đại học Sydney, Australia khẳng định tại ASCO.

       Theo bác sĩ Jane Beith, khoảng 50% bệnh nhân ung thư các loại đang trong quá trình hồi phục và 70% phụ nữ sau khi được điều trị ung thư vú đều cảm thấy lo lắng về khả năng bệnh tái phát. Tâm lý lo sợ này rất nguy hiểm và làm giảm mọi tác dụng của liệu pháp điều trị bằng thuốc, ảnh hưởng tới cách ứng xử và quan hệ giữa người bệnh với người xung quanh. Nói chính xác là tâm lý sợ bệnh tái phát “đầu độc cuộc sống” của người bệnh, bác sĩ Beith giải thích.

       Nghiên cứu của bác sĩ Beith được thực hiện trên 222 đối tượng đang trong quá trình hồi phục sau điều trị ung thư. Một nửa nhóm đối tượng nghiên cứu được tham gia 5 buổi điều trị tâm lý chuyên nghiệp với thời gian mỗi buổi 60 90 phút. Nửa còn lại không nhận được bất cứ trợ giúp nào. Quá trình điều trị tâm lý chuyên nghiệp là những bài tập tâm lý giúp bệnh nhân thư giãn về cơ bắp và ngồi thiền.

       Sau đó, các nhà nghiên cứu sử dụng một bài test để đo mức độ lo sợ tái phát bệnh có tên gọi FCRI và nhận thấy rằng, tâm lý lo sợ ở nhóm được hỗ trợ tâm lý giảm rõ nét. Sau 5 buổi, số điểm bài test mà nhóm được hỗ trợ là 18,1, trong khi nhóm không có trợ giúp tâm lý nào chỉ đạt 7,6 điểm. Sau 6 tháng nghiên cứu và thử nghiệm cách làm trên, các nhà nghiên cứu nhận thấy, hiệu quả của hỗ trợ tâm lý với bệnh nhân còn tăng hơn nữa.

        Một công trình nghiên cứu của các bác sĩ người Canada được trình bày tại ASCO cũng cho thấy kết quả tương tự. Nghiên cứu này nhắm tới các đối tượng là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Sau 6 buổi hỗ trợ tâm lý, 52% trong tổng số 305 đối tượng tham gia thử nghiệm có dấu hiệu bớt căng thẳng hơn về căn bệnh, trong khi ở nhóm tương tự nhưng không được hỗ trợ gì thì chỉ có 33% cảm thấy không lo lắng gì về bệnh tật nữa.

       Mục đích của các buổi điều trị tâm lý này là giúp người bệnh chuẩn bị tốt cho quãng thời gian còn lại của họ. “Những tiến bộ y khoa trong điều trị ung thư đã đạt được những bước tiến quan trọng, nhưng tôi cho rằng, cho tới gần đây, người ta vẫn chưa chú tâm vào mặt tâm lý và xã hội của căn bệnh này” – Giáo sư Gary Rodin, bác sĩ tại Trung tâm Ung thư Princesse Margaret ở Toronto, Canada, người đứng đầu công trình nghiên cứu trên cho biết.

       Hiện Giáo sư Rodin đang hợp tác với các chuyên gia ở 20 nước với hy vọng tiếp tục nghiên cứu phương pháp điều trị tâm lý cho các bệnh nhân ung thư ở cấp độ toàn cầu. “Thực sự chúng ta cần lắng nghe người bệnh và gia đình họ để hoàn thiện phương pháp điều trị ung thư tổng thể” – Giáo sư Rodin nói thêm.

        Công trình nghiên cứu thứ ba nói về những hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân ung thư qua mạng Internet. “Tôi nghĩ rằng, sự trợ giúp về tâm lý qua mạng cho các bệnh nhân ngày càng quan trọng bởi lẽ ngày nay, ai ai cũng có điện thoại thông minh, có kết nối Internet. Việc trò chuyện riêng tư và tư vấn cho người bệnh là rất dễ dàng” – Giáo sư Viviane Hess, tác giả công trình nghiên cứu trên tại Đại học Basel, Thụy Sĩ nhận xét.

       Theo chuyên gia này, bệnh nhân ung thư cần được động viên tinh thần và cung cấp thông tin điều trị đúng đắn. Giai đoạn cuối là giai đoạn mà đa số các bệnh viện hiện nay “bỏ rơi” bệnh nhân. Rất nhiều đau khổ xuất hiện trên bệnh nhân và gia đình ở giai đoạn này vì họ phải đối mặt với cái chết.

       Số liệu của Bộ Y tế năm 2015 cho biết, bệnh nhân ung thư phải chịu đựng nặng nề về tâm lý và tình cảm. 48% cảm thấy hoàn toàn hoặc một phần không hài lòng về cuộc sống của họ, 87% bệnh nhân ung thư buồn hoặc rất buồn. 64% người chăm sóc nói rằng, họ dành hơn 10 giờ mỗi ngày để chăm sóc cho thành viên trong gia đình bị ung thư.

Tác giả bài viết: S. PHƯƠNG (tổng hợp)

Nguồn tin: www.petrotimes.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây