Trường Sinh Học Dưỡng Sinh

http://www.truongsinhhocds.com


Anh hùng Lê Mã Lương tập… ngồi thiền

Tên tuổi anh hùng Lê Mã Lương luôn là một huyền thoại gắn với chiến tranh chống Mỹ. Huyền thoại về một chàng trai từ chối đi học nước ngoài để cầm súng. Huyền thoại về một thương binh hỏng mắt trái vẫn trở thành dũng sỹ diệt Mỹ và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Huyền thoại về câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”... Còn bây giờ, trong những ngày chuẩn bị cho mùa Vu lan báo hiếu năm nay, chúng ta biết thêm về vị anh hùng sau khi đã nghỉ hưu này, ngày nào ông cũng tập… ngồi thiền.
Anh hùng Lê Mã Lương tập… ngồi thiền
 Thiếu tướng Lê Mã Lương, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
          Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Lê Mã Lương đã từ chối ước mơ vào giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội và giấy báo du học nước ngoài để lên đường vào Nam đánh Mỹ. Năm 18 tuổi anh bị thương rất nặng, kẻ thù đã “lấy đi” của người chiến sỹ trẻ Lê Mã Lương một bên mắt, trong một trận chiến đấu ác liệt. Năm 21 tuổi Trung uý Lê Mã Lương được tuyên dương Anh hùng Quân đội; tháng 7/1968 anh được gặp Bác Hồ tại Quân y viện 108. Tháng 5/1971, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã phát động phong trào thanh niên cả nước học tập gương chiến đấu của Anh hùng Lê Mã Lương. Câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” của Lê Mã Lương ở thời điểm toàn dân sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước đã được thế hệ trẻ cả nước nhiệt tình hưởng ứng. Trong bài thơ “Gửi miền Nam” của nhà thơ Tố Hữu thời đó có câu: “Đẹp biết mấy bài ca ra trận / Mỗi chàng trai, một Lê Mã Lương” là để dành nói về Anh hùng Quân đội Lê Mã Lương.
          Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh học tiếp Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội mà năm xưa anh bỏ dở và làm luôn luận án Tiến sỹ. Giữa năm 1998, anh nhận quyết định làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Cái ngày được tin anh hùng Lê Mã Lương nhận quyết định về công tác ở Bảo tàng Quân đội, nhiều người cho rằng, đấy là chính sách với người có danh hiệu anh hùng, đã về bảo tàng thì coi như sự nghiệp cũng... đi vào bảo tàng luôn. Đâu dè, sau mấy năm gặp lại anh với quân hàm Thiếu tướng trên ve áo, gương mặt nhẹ nhõm, những vết thương ở cổ đã thành sẹo, nói chuyện gì rồi anh cũng quay lại với chuyện bảo tàng, cái nghiệp anh đang làm. Phải là người yêu nghề lắm mới có giọng nói say sưa đến vậy. Và anh đã cho chúng tôi nhận thức lại về công tác bảo tàng.
          Chiến tranh đã lùi xa nhưng Anh hùng Lê Mã Lương chưa bao giờ quên những năm tháng chiến đấu, những người đồng đội cùng chia lửa một thời với mình. Đã phải đến mười mấy lần ông trở về Quảng Trị với nhiều lý do khác nhau. Có lần thì đi cùng một vài đồng đội để tìm lại thi thể anh em và quy tập vào những nghĩa trang lớn. Có lần thì trở lại chiến trường xưa để giúp địa phương xác định, lập bia di tích, tôn tạo và bảo tồn những di tích.
          Điều đặc biệt là đã về Quảng Trị bao giờ ông cũng ghé thăm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Đó gần như là một nguyên tắc, một cái lệ bất thành văn. Ông nói đi thăm đồng đội nên lúc nào cũng cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Dường như bao nhiêu lo toan, mệt nhọc của cuộc sống thường ngày đều tan biến hết. Tuy nhiên, cũng có lần thắp hương xong ông lại cảm thấy như mình có lỗi, tự lục vấn lương tâm bởi dường như vẫn còn những lời hứa chưa hoàn thành, những tâm nguyện chưa trọn vẹn. Một trong những trăn trở đó là cho tới tận bây giờ ông vẫn chưa làm được gì nhiều để giúp anh em có một chỗ yên nghỉ khang trang, đẹp đẽ hơn.
 
 
Trong giờ tập Thiền của Anh hùng Lê Mã Lương.
 
          Sau khi về hưu, Thiếu tướng Lê Mã Lương dành nhiều thời gian cho gia đình. Ngày nào cũng vậy, mỗi khi nghỉ ngơi ông lại tranh thủ đọc sách, trồng hoa và tập… ngồi thiền.
         Vào ngày lễ Phật Đản năm 2011, Thiếu tướng Lê Mã Lương cùng phu nhân đã chính thức trở thành Phật tử và ông đã cho biết như vậy trong lần giao lưu tại một ngôi chùa ở Núi Dinh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nghe phảng phất đâu đây chút gì đó như là hình ảnh vị thánh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thuở nào. Hành trình cuộc đời của vị tướng anh hùng như một huyền thoại kết thúc có hậu. Và giờ đây, trước mặt hàng nghìn các tăng ni, phật tử, một vị tướng trong bộ quân phục bạc màu chắp tay khiêm hạ trước bóng mát bồ đề. Người lính anh hùng giãi dầu sương gió, đội bom, đội đạn một thời nay tìm về cửa Phật hòa đồng cùng tất cả khách hành hương, bỏ mặc lại phía sau bao nhiêu nỗi lo toan đời thường. Hãy coi đây là một sự trải lòng, trải nghiệm khơi gợi một thời quá khứ đã được đưa vào sách sử cho hôm nay và mãi mãi về sau…

 

Anh hùng Lê Mã Lương trong lần giao lưu ở Núi Dinh, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu.

          Câu chuyện ngắn của người anh hùng như một thông điệp gửi tới tất cả mọi người: Hãy suy nghĩ về bổn phận làm người, về trách nhiệm với gia đình, với quê hương, với đất nước. Hoa sen kết hương và tỏa sắc từ nơi sình lầy. Chánh quả không thể tìm nơi nào xa lạ mà có thể kết trái chính từ dòng đời ô trược.

Tác giả bài viết: HOÀNG TIẾN NHẪN (tổng hợp)

Nguồn tin: Theo: giaoduc.net.vn & phattuvietnam.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây