Trường Sinh Học Dưỡng Sinh

http://www.truongsinhhocds.com


Già ơi… chào bạn!

Già ơi… chào bạn!
Già là gì? Trời ạ, câu hỏi tưởng dễ òm mà hóa ra rất khó trả lời cho chính xác. Một buổi mai thức dậy thấy lưng nhức mỏi, bước xuống giường một bên gối hơi đơ, nhìn vào gương soi thấy những vết nhăn nhúm. Gì rồi đó sao?...

        Già là gì? Trời ạ, câu hỏi tưởng dễ òm mà hóa ra rất khó trả lời cho chính xác. Một buổi mai thức dậy thấy lưng nhức mỏi, bước xuống giường một bên gối hơi đơ, nhìn vào gương soi thấy những vết nhăn nhúm. Gì rồi đó sao?...


 
        Andre1 Maurois bảo: “Kỳ lạ thay cái tuổi già! Không ai nghĩ là mình sẽ già! Họa chăng là kẻ khác có thể già còn mình thì không. Cho đến một hôm, gặp lại người bạn cũ của 30 năm về trước, thấy trên mặt bạn mình những nét già nua tuổi tác, mới chợt giật mình nhưng cũng nghĩ đó là chuyện của bạn. Già đến với ta một cách từ từ, khó mà nhận biết”.
        Một bệnh nhân cũ, có lần gặp tôi ngạc nhiên:
        - Hơn mười năm rồi mới gặp lại bác sĩ! Thấy bác sĩ già đi nhiều!
        Tôi cười:
        - Đúng vậy! Hồi đó tôi còn trẻ hơn bây giờ!
        Rồi cả hai cùng cười không ngờ mình nói chuyện… có duyên đến vậy.
        Có người nói cuộc đời chia làm ba hồi: “Hồi trẻ”, “Hồi trung niên” và “Hồi đó”. Khi ta dung từ “Hồi đó” hơi nhiều để nhắc lại những chuyện xưa thì đó là dấu hiệu của tuổi già. André Maurois: “Thậm chí có khi ta chấp nhận tuổi đã cao đấy, tóc đã bạc đấy, nhưng vẫn có một trái tim không già. Không muốn già”.
        Tôi đã có lần mắc sai lầm khi viết một bài báo gọi GS. Trần Văn Khê là “một ông già dễ thương”, lúc ông mới 78 tuổi! Do vậy mà bị một độc giả – ông Khai Trí – viết thư cự nự: Không có cái gọi là già! Vì, theo ông, lúc 20 – 30 tuổi, người ta còn quá trẻ! 30 – 40 đang trẻ, 40 – 50 hãy còn trẻ, 50 – 60 trẻ không ngờ, 60 – 70 trẻ lạ lùng và trên 70 tuổi là trẻ vĩnh viễn! Có cái gì là già đâu?
        Già là một giai đoạn tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi người ta tích tuổi, cớ sao còn phải lảng tránh? Có trẻ thì có già, đó là một nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già, trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc. “Sống lâu, sống khỏe, sống vui” như một khẩu hiệu rất có ý nghĩa của Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Việt Nam. Tích tuổi mà ít ốm đau, biết sống hữu ích cho mình, cho người, với chất lượng cuộc sống cao nhất có thể có được thì hẳn là tốt hơn và đúng với điều Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi: Hãy sống một tuổi già tích cực! Và như vậy, phải chăng ta có thể nói với tuổi già của ta: Bonjour vieellesse! “Già ơi… chào bạn!”.
 

Tác giả bài viết: BS. ĐỖ HỒNG NGỌC

Nguồn tin: www.suckhoedoisong.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây