Trường Sinh Học Dưỡng Sinh

http://www.truongsinhhocds.com


Cách nhìn khác vào sự đau ốm

Cách nhìn khác vào sự đau ốm
Stress không phải từ bên ngoài. Người ta hay nói đến hoàn cảnh sống căng thẳng, nhưng thật ra, stress từ tâm tị nạnh ganh đua không thiện mà ra. Phật giáo giải quyết tận gốc chữa trong tâm.Hiện làm việc và giảng dạy ở trung tâm Đào tạo Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ, nhà văn hóa Đỗ Hồng Ngọc có mấy chục năm theo đuổi bộ môn khoa học hành vi giáo dục sức khỏe – bộ môn hầu như không có ở các Đại học Y khoa. Ông chia sẻ:

 
          Stress không phải từ bên ngoài. Người ta hay nói đến hoàn cảnh sống căng thẳng, nhưng thật ra, stress từ tâm tị nạnh ganh đua không thiện mà ra. Phật giáo giải quyết tận gốc chữa trong tâm.
          Hiện làm việc và giảng dạy ở trung tâm Đào tạo Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ, nhà văn hóa Đỗ Hồng Ngọc có mấy chục năm theo đuổi bộ môn khoa học hành vi giáo dục sức khỏe – bộ môn hầu như không có ở các Đại học Y khoa. Ông còn là tác giả nhiều cuốn sách được đón đọc như: “Cành mai sân trước”, “Nghĩ từ trái tim”, “Thư gửi người bận rộn”,
          Tâm bệnh nguy hiểm hơn nhiều
          - Thưa bác sĩ, bộ môn “không cần thuốc” này có giá trị thế nào trong việc chữa bệnh?
          BS. Đỗ Hồng Ngọc: Là một ngành không hiệu quả trước mắt như mổ xẻ, thuốc men, nhưng hiệu quả bền chặt sâu. Chúng tôi quan tâm yếu tố tâm lý xã hội văn hóa nhân chủng, người bệnh tương tác với thầy thuốc. Người ta mắc bệnh cứ nghĩ đến vi trùng nhưng bệnh tật lại do hành vi.
          HIV, thuốc lá, huyết áp, tiểu đường, béo phì dẫn đến tim mạch, nếu không chữa bằng hành vi mà chỉ chăm chăm kỹ thuật thì không đạt được. Chỉ dựa vào kỹ thuật thì bệnh viện cứ quá tải, mở thêm bệnh viện ung thư hoài. Tâm bệnh nguy hiểm hơn nhiều. Với stress, chỉ điều trị bằng thuốc là không xong.
          - Như vậy phải tìm nguồn gốc bệnh tật khác với phương pháp xưa nay?
          Đây là một nhánh y tế mở rộng ra xã hội – tâm lý. Nó làm cho sức khỏe tốt lên, hơn làm bệnh viện để hứng bệnh. Từ nuôi con, chủng ngừa, dinh dưỡng, thay đổi hành vi xấu. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
          - Nghe như lĩnh vực giáo dục đạo đức lối sống hơn là y khoa với các kỹ thuật cụ thể?
          Nó có kỹ thuật của thể từ điều trị tâm lý qua. Chuyên môn gọi là huấn luyện kỹ năng tham vấn tư vấn. Người bác sĩ sẽ không còn ra lệnh, không lắng nghe mà phải thấu cảm người bệnh. Người bệnh không chỉ đau mà còn khổ. Người Việt Nam có chữ đau khổ. Làm sao người bác sĩ thấy được nỗi khổ sau nỗi đau. Những kỹ năng ứng dụng nhưng bằng tâm người thầy thuốc.
          - Hiệu quả không, thưa bác sĩ? Vì xưa nay có lý do là quá tải, thầy thuốc chỉ có vài phút khám, không kịp nhìn kỹ bệnh nhân?
          Rất có hiệu quả. Sau huấn luyện, họ thay đổi cách tiếp xúc. Có mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân. Trước đây cãi cọ hoài. Còn việc quá tải, càng cần truyền thông tốt cho nhiều người được nghe. Tài liệu, tờ bướm, hướng dẫn gọn, đơn giản, cơ bản cần trong giao tiếp. Càng đông quá càng phải dùng kỹ thuật truyền thông góp phần trị bệnh. Cũng có bệnh viện yêu cầu phòng tư vấn, có bác sĩ chuyên môn tiếp.
          - Dưới góc độ một nhánh y tế mở rộng ra xã hội, bác sĩ đánh giá những vấn đề xã hội nào ảnh hưởng mạnh nhất đến sự đau ốm của con người?
          Nhiều giá trị đã mất đi. Không kể những thứ nhỏ như quả ớt xanh quê, nước mắm không còn ở thực đơn nhà hàng Phan Thiết sang trọng. Bãi biển xưa đi qua ai cũng muốn tắm, vứt xe bên đường nhảy ào xuống, nay bãi biển là của resort chia nhau từng khúc. Muốn tắm phải vào resort. Còn rất nhiều giá trị cần quay lại
          - Xin bác sĩ nói rõ?
          Giá trị gia đình, lỏng lẻo. Gia đình hạt nhân cũng ly dị, dễ dàng bị phá hủy. Vấn đề tình dục trong hôn nhân liên quan bệnh lý truyền qua. Nếp sống cũ có lý của nó, bảo vệ cá nhân, cộng đồng. Nay phát triển rạn nứt. Đánh giá con người qua nhan sắc. Cái đẹp được đánh giá khác. Nay chỉ là cao, gầy ốm, na ná mắt mũi giống nhau giả tạo. Có cô gái 20 tuổi bơm ngực, mẹ cũng đồng ý, xong hư luôn. Mặc cảm. Khổ sở. Truyền hình, các cuộc thi khuyến khích lòng tham, khuyến mãi, giải thưởng. Chạy đua vật chất, xa rời các giá trị tinh thần trong khi phương Tây nay đã mệt, muốn quay lại cuộc sống an bình, biết tri túc hơn.
          Đua đòi, cạnh tranh, bản chất là áp lực. Các nghiên cứu đưa ra con số 60 – 80% nguồn bệnh dù bệnh lý bên ngoài khác nhau nhưng nền là stress. Nó làm biến đổi cơ thể. Tim mạch, dinh dưỡng, lối sống sai lầm. Bác sĩ không quan tâm sẽ nuôi bệnh vì stress không can thiệp được. Về phương diện này, tin rằng ngành tôi theo đuổi sẽ phát triển.
          - Không lẽ ngành y không tìm cách tập trung chữa stress bằng kỹ thuật y học?
          Ngành y có một số thuốc giảm trầm cảm, phòng tự tử. Nhưng riêng một ngành y không giải quyết nổi. Một bệnh xã hội. Hậu quả của sự phát triển nay đã ý thức được việc có hại. Tỉ phú quay về tâm linh, về vườn tự trồng rau quả không thuốc trừ sâu. Sống an nhàn, hưởng cái sung sướng tự có củ khoai, cà rốt hơn là mua ở siêu thị. Nhiều người có trình độ quay về tập quá mới thực ra là đời sống xưa của ông cha, đâu có xa lạ gì.
          - Theo bác sĩ, sự phát triển ở ta đã đánh mất những gì?
          Mất cái tình, cái nghĩa. Sự đối xử trong gia đình rạn nứt. Chồng chạy theo giá trị này, vợ chạy theo giá trị khác. Ly dị, con bơ vơ, hận thù xã hội. Thanh niên sống thử đến bao giờ? Không có hôn nhân hạnh phúc, đẻ con không được vì phá thai. Thụ tinh nhân tạo đời trẻ con được chăm sóc quá đặc biệt dễ thành không bình thường. Cưng quá cũng như bỏ rơi quá không tình hư đi. Còn mất nghĩa: hàng xóm cô lập ra. Ra đường sợ. Không ai nhường ai, chen lên lề đường, trừng mắt nhìn người đi bộ làm như lỗi ở họ cản đường.
          Cuộc sống thúc bách. Tôi có lần kinh ngạc thấy ông chồng chạy xe máy nghe điện thoại, bà vợ ngồi sau bụng chửa to tướng cứ ngồi im không can thiệp gì, cứ thản nhiên. Tranh thủ thời gian làm việc, kiếm chác cỡ đó. Tình nghĩa mất, con người cô đơn. Cạnh tranh mất ăn mất ngủ, bệnh nhiều lên, cứ đào tạo nhiều bác sĩ, nhiều bệnh viện. Đó không là sức khỏe, không là hạnh phúc.
          - Nhưng thưa bác sĩ, đó là sự trả giá để phát triển không dễ tránh được?
          Cần phải trở lại chữ sức khỏe và hạnh phúc. Biết định nghĩa sức khoẻ là tình trạng hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh. Có người bệnh lại có sức khỏe hơn vì có đời sống an lạc yên tĩnh chấp nhận được xã hội – một trạng thái được đánh giá khó hơn cân đo đếm máy móc. Tính chủ quan cảm nhận rất quan trọng.

 

          Có từ bỏ cuộc chiến đấu cho phát triển không? Không. Sâu hơn. Sự phát triển cuối cùng mục tiêu là hạnh phúc cho cá nhân, cộng đồng. Phát triển cả vật chất và tâm linh, xã hội. Tôi có viết bài về bình quân hạnh phúc đầu người của xứ Bhutan. Người ta đo thu nhập hạnh phúc bình quân đầu người (GNH – Gross National Happiness) chứ không đo bằng GDP. Một số nước Bắc Âu cũng đang theo hướng này. Có 4 tiêu chí: Bảo vệ mội trường tốt, chính phủ thân thiện, người dân được chăm sóc sức khỏe, có cuộc sống cá nhân tốt. Không đo bằng phát triển kinh tế mà đo bằng hạnh phúc người dân.
          - Theo bác sĩ, chúng ta có thể làm gì?
         Căn bản nằm ở giáo dục. Từ bé đã biết tiết kiệm, qúy trọng vật chất làm ra, qúy trọng người khác. Ta cũng đừng quá bi quan. Chấp nhận trả giá rồi tỉnh ngộ. Tiếc, nhưng đâu có cách gì khác. Bản chất thiện trong các em được khơi gợi đúng, thấu cảm của nó.
          Dưới góc nhìn Phật giáo
          - Vì sao bác sĩ thường nhìn các vấn đề có liên hệ đến Phật giáo qua các tác phẩm của mình?
          Stress không phải từ bên ngoài. Người ta hay nói đến hoàn cảnh sống căng thẳng, nhưng thật ra, stress từ tâm tị nạnh ganh đua không thiện mà ra. Phật giáo giải quyết tận gốc chữa trong tâm. Nghèo hay giàu có đều có cách giữ cho ta an lạc. Không chỉ đổ thừa hoàn cảnh. Phật được gọi là y vương vì chú ý cả hai: Chữa cả bệnh và hoạn. Tôi đã học được qua lần bản thân bị tai biến mạch máu não phải mổ cấp cứu ở sọ. Khi nằm viện, bác sĩ cho uống rất nhiều thuốc. Tôi biết trong số đó chỉ có vài thứ cần thôi, còn cần chữa thiết yếu là từ nguyên nhân cách sống căng thẳng. Phải tìm con đường. Trong kho tàng Phật học, cách điều trị tâm chuyển đổi tâm có kết quả hơn, làm mình thanh thản nhẹ nhàng sảng khoái hơn.
          - Nhưng kỹ thuật cao của y học rõ ràng cứu người thoát chết thật tuyệt vời?
          Đúng, kỹ thuật cao quá tuyệt vời: Mổ tim; Thay ghép gan, thận; Thông, cắt nối mạch máu cứu người,… Kỹ thuật cao có lợi cho những bệnh cần can thiệp. Nhưng bản thân con người chỉ dựa vào kỹ thuật cao không có đời sống bình thường. Môt người một ngày một bịch thuốc bự, sáng, trưa, chiều, tối, lẩm bẩm nhớ. Không giờ nào hô có sức khỏe. Kỹ thuật cao kỳ diệu, lẽ ra chết rồi thay được tim. Nhưng đi sâu đến nỗi chia chẻ ngành y thành những mảnh nhỏ, chuyên sâu, giỏi lương cao nhưng không thấy con người toàn diện, thí dụ đến mức chỉ thấy gan, nhỏ hơn nữa là một mạch máu gan. Con người bị chẻ ra. Máy móc, như ô tô,… chuyên môn hóa là tốt. Nhưng một bệnh nhân vào là một lô bác sĩ, thiếu phần tổng hợp. Trên báo Pháp có câu chuyện bà già ăn không tiêu, đến bác sĩ xét nghiệm, không thấy gì, chuyển lên chuyên sâu cao hơn. Hết bao tiền, qua bao trung tâm, kết quả là không bệnh gì. Bà già trải qua bao xét nghiệm, hãi hùng mắc bệnh tâm thần luôn. Họ cảnh báo mặt trái của việc chuyên sâu thái quá.
          Khôn lanh hơn, đề kháng yếu hơn
          - Là một bác sĩ nhi khoa, bác sĩ nhận xét thế nào về thế hệ con nít ngày nay?
          Thông minh hơn vì tiếp xúc nhiều với thế giới hiện đại tivi, vi tính,… dạn dĩ hơn. Được chăm sóc kỹ quá, không tiếp xúc với tự nhiên, ăn kiêng cữ. Người lớn cũng thế. Có Việt kiều về nước, cứ đi ăn về là tiêu chảy, uống nước đá là bệnh. Không có cơ chế tự bảo vệ sức đề kháng cơ thể. Trẻ con cần được khuyến khích lê la (miễn đừng bừa bãi nguy hiểm). Chơi có sức đề kháng tốt hơn. Xưa nó mặc quần thủng đít, ăn thua là chăm rửa, nay thì tã lót bịt kín. Có nghi vấn khoa học cho là nguyên nhân vô sinh ở chỗ này. Nam giới với quần xịp, jean cứng bó chặt không sinh tinh tốt. Sinh tinh phải ở nhiệt độ thấp hơn cơ thể nên ông trời cho sinh dục nam bên ngoài cơ thể. Phụ nữ bên trong vì cần ủ ấm. Vây mà văn minh bịt kín hết.

 

          Phải có kiến thức, hiểu giá trị của chủng ngừa. Bại liệt, bạch hầu, uống ván, bệnh dại, phải chủng ngừa. Trẻ em đề kháng yếu, nên thời hiện đại có vacxin sức đề kháng viện trợ từ bên ngoài cung cấp, tạo đề kháng hạn chế, hết là bị nặng hơn. Xưa trẻ em bị sởi từ bé, được đề kháng suốt đời. Nay sởi người lớn bị nặng. Mặt trái của sự tiến bộ khoa học. Nghe kỳ cục, nhưng phải nhìn ở nhiều góc độ. Tôi cũng là bác sĩ nổi tiếng “vì cho thuốc ít”. Trẻ nít yêu tôi vì tôi không bắt chích thuốc.
          Bác sĩ – Tác giả
          - Ông viết rất nhiều sách, có thể coi đó là một phần của công việc truyền thông giáo dục sức khỏe – nhiệm vụ bác sĩ của ông?
          Đúng với công việc “bộ ba” của tôi: Trung tâm truyền thông – dạy học – viết lách. Tôi nghiền ngẫm viết lách, giảng dạy, chia sẻ trải nghiệm giúp đỡ người khác. Phải học nhiều để làm được những điều đó. Đi giảng, viết chính là học. Tôi có 16 năm ở Bệnh viện Nhi Đồng, 12 năm làm Chủ nhiệm Khoa Cấp cứu. Nhìn thấy nhiều cái chết vô lý do thiếu kiến thức, thúc đẩy tôi viết sách, cũng là để cứu. Tôi có 3 cuốn sách lĩnh vực nhi khoa được phổ biến khá tốt. Sách cho tuổi già, mảng sách về tâm linh,…
          - Ông đã từng chịu mất mát trước cái chết của người thân – Trải nghiệm này giúp ông chia sẻ gì với người đọc?
          Khi 12 tuổi, tôi chứng kiến cha tôi mất trong cảnh không thầy, không thuốc. Tôi vào chùa với người cô đi tu, vì cô có 3 người con chết trong bão năm Thìn. Rồi con gái tôi 21 tuổi đang học y, đi công tác xã hội bị tai nạn giao thông. Tôi từng làm cấp cứu mà không cứu được con. Tôi cũng viết sách về cách nhìn cái chết và đón nhận nó sao cho đúng với tiến trình tự nhiên. Có những đau khổ phải biết cách chấp nhận. Nói là thời gian sẽ giải tỏa, thật ra cũng chả nguôi ngoai. Sự an ủi tốt hơn là hiểu nguyên lý cuộc sống, hiểu sinh tử.
          - Yêu văn học, có sáng tác, vì sao ông chọn ngành y?
          Có 3 đường lựa chọn: Y khoa theo lời khuyên gia đình, sư phạm và viết văn theo sở thích cá nhân. Sau cụ Nguyễn Hiến Lê khuyên nên học y. Theo cụ: Y khoa giúp người cụ thể. Nếu có tâm hồn vẫn viết lách được và tiếp xúc nhiều nỗi đau, nhiều hoàn cảnh. Học giỏi vẫn có thể dạy học. Vậy y có thể làm cả 3 thứ. Tôi học y, ghi danh học văn khoa. Đại học Vạn Hạnh mở ngành xã hội học tôi cũng học. Có tâm thức vậy dẫn dắt, nó giải thích những con đường tôi đi qua.
          - Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Nguồn tin: www.viet-studies.info

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây