Một ngày “ẩn dật” để có sự thanh thản

Thứ năm - 19/12/2013 05:38

Một ngày “ẩn dật” để có sự thanh thản

(TBKTSG) – Cuộc sống quá căng thẳng hiện nay đã bào mòn hệ thần kinh của mọi người. Được nghỉ dưỡng đang là nhu cầu bức thiết hiện nay.

        (TBKTSG) – Cuộc sống quá căng thẳng hiện nay đã bào mòn hệ thần kinh của mọi người. Được nghỉ dưỡng đang là nhu cầu bức thiết hiện nay.
        Tuy nhiên, rất nhiều người cảm thấy thất vọng khi đi tìm sự thanh thản của nội tâm thông qua các hình thức du lịch, các dịch vụ vui chơi, mua sắm… vì cảm giác căng thẳng và lo âu vẫn đeo bám, làm cho sức khỏe và tinh thần không thể hồi phục một cách trọn vẹn!
        Cứ thế, họ cố gắng đi tìm một phương thức thích hợp để làm giảm căng thẳng trong cuộc sống nhưng vẫn không tìm được. Cuối cùng, nghe theo lời khuyên của một số người, họ tham gia vào những khóa học về thiền định được tổ chức tại các tu viện, thiền viện, các trung tâm dạy thiền để được hướng dẫn cách thức tọa thiền, tuân thủ theo một số giới luật đơn giản, ăn chay thanh đạm, sống thanh thản và không sử dụng bất cứ phương tiện hiện đại nào (điện thoại di động, ti vi, vi tính và mạng Internet…), được nghe pháp thoại về một số chủ đề như “tính vô thường của cuộc sống”, phương cách “sống tỉnh thức trong từng giây phút hiện tại”, làm sao tìm được “sự an lạc trong từng bước chân”, “thở và cười”…


 
        Những quan niệm sống này có thể mang đến sự an lạc, thanh thản cho những ai hiểu và quyết tâm thực hành. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người khi đang ở trong khóa học thì cảm thấy tâm hồn rất thanh thản, vơi đi muộn phiền và lo âu. Nhưng khi trở về cuộc sống bình thường với bộn bề công việc, cơm áo gạo tiền, công danh chức tước… cảm giác thanh thản ấy không còn nữa.
        Họ bận rộn đến mức chẳng có thời gian để ngồi thiền, thực tập chánh niệm và tâm trí luôn căng thẳng suốt ngày. Sự căng thẳng đi cả vào trong giấc ngủ gây trằn trọc, mộng mị rồi thức dậy với cảm giác chán nản, mệt mỏi rã rời!
        Có cách nào để có thể thực hành và phát triển phương pháp thiền định dễ dàng và thuận lợi hơn cho những “người bận rộn” không? Câu trả lời là “có”, bằng cách tạo ra một nơi “ẩn dật” cho riêng mình, một nơi chốn để “đi về” với chính mình, chậm rãi, thanh tịnh, theo dõi hơi thở, lắng nghe và nhìn lại sâu thẳm trong tâm hồn mình.
        Một đợt “ở ẩn” như vậy có thể kéo dài một hoặc vài ngày tùy theo hoàn cảnh và ý muốn của từng người. Để tạo ra nơi ẩn dật riêng cho mình không khó, nhưng dĩ nhiên cũng phải có một số điều kiện như một không gian riêng biệt tối thiểu nằm ngoài những sinh hoạt chung của gia đình. Nên tìm một góc nhà hoặc tạo một phòng nhỏ ở địa điểm thích hợp, yên lặng, riêng tư nhìn ra một mảnh vườn nhỏ hay một khoảnh sân có cây xanh.
        Trong phòng nên trang trí đơn giản, màu sắc hài hòa; bố trí một cái bàn nhỏ, trên có đặt hình ảnh, biểu tượng tôn giáo hoặc biểu tượng, hình ảnh theo lòng tin của mình, một chiếc chuông nhỏ, một bình hoa tươi. Cần có thêm một ít hương liệu hoặc nến (đèn cầy) thơm để làm cho không khí trong phòng thăng hoa). Một tấm đệm để ngồi thiền, một chiếc máy nghe nhạc thiền, một cuốn sổ nhỏ, cây viết để ghi lại những cảm xúc đặc biệt trong quá trình ẩn dật, một chiếc đồng hồ báo thức, một cái giường để ngủ và một bàn nhỏ để đọc sách.
        Trong giai đoạn này nên tách biệt với thế giới bên ngoài và không được gặp ai, kể cả người thân. Chúng ta nên bàn trước với gia đình, người thân về thời gian “ở ẩn” của mình, để mọi người hiểu và tạo điều kiện tốt nhất. Nên chọn thời điểm để “ẩn dật” vào ngày cuối tuần, ngày lễ, hoặc những ngày nghỉ phép. Không sử điện thoại di động cũng như điện thoại bàn.
        Thức ăn và vật dụng cá nhân phải chuẩn bị đầy đủ cho quá trình “ẩn dật”, nên tự tay chuẩn bị thức ăn (thực tập thiền hành trong lúc nấu ăn!). Vì vậy những bữa ăn thường rất đơn giản (nên ăn chay) để cho cơ thể nhẹ nhàng và không làm mất thời gian quý báu trong giai đoạn này (cũng có thể nhờ người thân nấu ăn giúp và đem đến đúng giờ đã định). Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cho một đợt “ẩn dật”, chúng ta bắt đầu thực hiện.
        Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề xuất chương trình thực hành cho một ngày “ẩn cư” để bạn đọc tham khảo. Trên thực tế chúng ta nên tự soạn một chương trình riêng cũng như thực đơn ăn uống sao cho phù hợp với bản thân. Lịch trình một ngày “ẩn dật” chỉ mang tính chất gợi ý và có thể thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và ý thích của từng cá nhân. Mục đích cuối cùng là làm cho cơ thể nhẹ nhàng, tâm hồn được thanh thản, bình an dù chỉ trong một ngày ngắn ngủi. Tuy nhiên, cảm giác này dù có phai nhạt dần nhưng cũng là một trải nghiệm kéo dài cho đến đợt “ẩn dật” kế tiếp.
        Đừng tưởng rằng việc “ẩn dật” như vậy sẽ làm mất thời gian mà trái lại nếu thực hành đúng, có chương trình đều đặn, liên tục, sẽ giúp ta tái tạo lại năng lượng tinh thần và loại bỏ stress. Nếu có cơ duyên hơn nữa, biết đâu trong những giây phút tọa thiền với tâm tĩnh lặng và trong sáng, ta có thể hiểu được tính chất sinh diệt, huyễn hóa của “được – mất, thành – bại” trong cuộc đời này để có thể lao vào công việc như tham dự một “cuộc chơi lớn”, vững vàng, thanh thản, không sợ hãi bất cứ điều gì. Rất mong ngày ấy sẽ đến với mọi người!
 

Tác giả bài viết: BS. LÊ HÙNG – Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 88 trong 21 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 21 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây