Môn sinh rùa quyết tâm về đích

Thứ hai - 29/08/2016 05:12

Môn sinh rùa quyết tâm về đích

Tôi không dám tin đó là trược ra trong lúc nửa thức nửa ngủ. Mọi thứ như một giấc mơ. Nhưng quả thật, sau giây phút đó, người tôi nhẹ tênh và tôi ngồi thêm một lúc nữa mà không thấy mỏi mệt gì.
 

Tôi đi học thiền và tự thấy mình tiếp thu chậm.

Ngày đầu, tôi ngồi 30 phút. Giảng huấn hỏi:

- Cô bác anh chị có thấy nặng cái chân hay hiện tượng gì lạ không?

Người thì nói mỏi chân; người thấy rần rần nhẹ ở sống mũi; người thấy lóe sáng như bóng đèn ở giữa trán, chỗ luân xa 6. 

- Thế là tốt. Bất cứ cảm giác khác lạ nào đều cho thấy năng lượng đã đi vào cơ thể. 

Tôi không cảm thấy gì cả. 

Ngày thứ hai, tôi mới thấy rần nhẹ ở mũi. Bắp chân biết mỏi nhưng tôi ráng ngồi đến khi nghe hiệu lệnh mở mắt ra.

Huấn luyện viên kêu hít vào sâu bằng mũi, thở ra cho đến xẹp bụng bằng miệng, ba lần, rồi nhắm mắt thiền và hít thở bằng mũi bình thường.

Tôi hít vào thở ra ba lần thật nhẹ, thật dài, thật sâu. Khi đi vào thiền định tôi cũng hít nhẹ, sâu và thở nhẹ, đẩy hết không khí ra rồi mới hít sâu vào tiếp. Vì cố gắng hít vào cho đầy phổi, thở ra cho xẹp bụng như vậy nên suốt buổi thiền tôi cứ gồng mình lên mà thở. Những tưởng thở sâu thì sẽ không còn không khí tù đọng dưới đáy phổi nhưng 4 ngày thở như vậy khiến bản thân thiền lâu thấy người căng lên, nghe thân thể hơi nặng nề theo nhịp thở.

Ngày thứ năm, trên đường đi, tôi trao đổi phương pháp thở với ông xã thì ông xã nói “Em tập sai rồi. Chỉ hít thở sâu 3 lần đầu thôi. Từ đó trở đi chỉ nhắm mắt lại và thở nhẹ nhàng. Thở sâu lâu như vậy mệt người lắm, sao ngồi nổi suốt buổi được”.

Hèn gì, mấy ngày qua, khi luyện thở, người tôi cứ tập trung, căng cứng như dây đàn. Tôi cứ hít nhẹ hít sâu, hít cho no người rồi mới từ từ thở ra và cố ý đẩy cạn hơi cho xẹp bụng hẳn.

Đến lớp, tôi hỏi lại giảng huấn. Giảng huấn cũng nhắc cần thở nhẹ nhàng, đều đặn. 

Một vùng tim tím rồi ánh sáng lóe lên ở giữa trán. Hình như vầng hào quang chói sáng kia cùng với năng lượng vũ trụ đi vào luân xa 6 rất ào ạt. Năng lượng vũ trụ lúc thì màu tim tím, lúc màu âm âm, lúc lóe sáng như bóng đèn cà na rồi vụt biến đi, để lại xung quanh một màu đen huyền bí.

Mọi người đâu cả rồi? Xung quanh vắng lặng quá. Tiếng quạt trần quay đều đều gõ nhịp thời gian. Chân tê nữa. Lại cơn tê nữa. Càng gồng mình chịu tê thì nó càng tê và mỏi hơn. Tôi lẩm nhẩm trong đầu ý nghĩ “Hít nguồn năng lượng vũ trụ vào luân xa 6, thở ra tẩy các chất cặn bã, độc hại”.

Sau cơn đau này, cơn đau, nỗi khó chịu nào sẽ tới nữa? Tôi lại quán chiếu: 

“Trăm năm trong cõi người ta

Ai ai cũng phải thở ra hít vào

Trăm năm trong cõi người nào

Ai ai cũng phải hít vào thở ra". 

Cái đau, cái mỏi quên hành hạ tôi mà quay qua nghe “chị” trí não đọc thơ bằng vô thanh.



 

Sau 6 buổi học ở Tầm Vu, tôi chỉ mở mắt ra sớm một lần. Thấy xung quanh đa số nhắm mắt thở đều. Nhìn lên hàng ngang phía trên có một má ngồi xoa bóp cái chân. Một chị vừa mới mở mắt ẹo người cười xã giao với tôi. Tôi cười lại – một nụ cười không hợp hoàn cảnh chút nào. Huấn luyện viên nhìn tôi như muốn nói “còn sớm”. 

Tôi lại hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng ba lần để tạm biệt má và chị kia mà thiền tiếp. Chắc nhờ quyết tâm tập trung vào luân xa 6, không để phân tán tư tưởng mà vừa nhắm mắt tôi đã thấy màu tim tím xuất hiện, rồi màu sáng như bóng đèn cà na ở giữa trán, kéo theo cái chùm tia hào quang tim tím như cái nơm chụp cá chụp vào hai đầu chân mày và mắt. Cái nơm ánh sáng đó nhanh chóng biến mất. Lại một màu đen tĩnh lặng vây quanh. Cảm giác êm đềm và ấm áp vì biết rõ xung quanh ai cũng như mình – đang tìm đến sự khai thông những bế tắc.

Tiếng quạt trần vẫn quay đều đều trên đầu. 

Tôi bỗng nghe tiếng ghế nhựa lịch kịch khẽ khàng. Một bàn tay ai đó nhẹ nhàng đặt trên đầu tôi. Cỡ chừng một phút, có một bàn tay rời vị trí, lần lượt đặt ở các vị trí khác nhau của sống lưng, từ trên xuống, tới tận xương cụt. Mỗi lần di chuyển và dừng lại ở điểm mới cũng chừng 60 nhịp đếm. Hai bàn tay đó lại áp vào hai bên tai và thái dương, trước cổ và phía sau.

Điều tôi cảm nhận rất rõ khi tay ai đó chạm vào là một luồng xung lực phát ra từ đó. Bàn tay dù chạm nhẹ nhưng nghe như rung rung bởi từ trường.

Sau này tôi mới biết đó là môn sinh được trợ lực. Mỗi khi được trợ lực, năng lượng đi vào nhanh và mạnh hơn nên cảm giác căng cứng, tê nhức khó chịu ở hai chân mỗi lúc một tăng lên. 

Có lẽ, mọi người đều giống như tôi, luôn đợi chờ những phút giây được trợ thiền như một phản xạ có điều kiện. Nên hễ nghe tiếng ghế lịch kịch khẽ khàng di chuyển là biết mình đã đi qua phút thứ ba mươi. Tới phút đó, dù thân thể có phản ứng đau nhức khác lạ nhưng lòng thì hoan hỷ vì đồng loạt được đón nhận năng lượng tình thương từ những trợ thiền.

Tôi hỏi chị Thắm – người nhờ thiền một năm mà khống chế được căn bệnh ung thư: 

- Chị ơi! Sao mọi người nói trược ra. Chồng em cũng cảm thấy hiện tượng đó, còn em thì chưa?

- Chắc bệnh em nặng hơn, nhiều chứng hơn, mấy mươi năm chưa 
khai thông nên khó xả. Cứ kiên trì, từ từ.

Có lẽ chị nói đúng. Tôi bệnh như Đỗ Phủ.

Tôi quyết định đi hưởng lực và được trợ thiền ở điểm học khác – Cần Đước, cách nhà 43 km.

Tôi là “môn sinh cũ” nên luôn ngồi cuối hội trường. Những lúc giảng huấn hướng dẫn lý thuyết thì tôi thiền. Lúc các môn sinh thực tập tôi cũng thiền. Tôi thiền liên tục, dù chưa lần nào quá 40 phút. Có thể vì đi xa mệt. Hay vì thể lực tôi không tốt nên kém bền chăng?

Buổi học thứ sáu, tôi bị trúng thực, người mệt mỏi. Thiền 30 phút thì đau bụng. Giải quyết nỗi buồn xong tôi ngồi tựa lưng vào tường thở mệt nhọc. Tôi hỏi cô huấn luyện viên lớn tuổi ngồi bên:

- Khi cơ thể mệt mỏi thì không nên thiền hả cô?

- Mệt cũng cứ thiền. Không sao đâu. Ráng kìm nén, qua khỏi cái đau cái mệt mới xả ra được. Xả ra được thì nhẹ nhõm. Sau đó thiền khỏe lắm, càng thiền càng khỏe.

Tôi ngước nhìn lên hình Đức Tổ Sư, thầm khấn:

- Xin Đức Tổ Sư gia hộ cho con vượt qua cơn đau để con cảm nhận được cảm giác xả trược.

Lần hành thiền đó, cũng cảm giác mỏi mệt. Tôi mòn mỏi ngủ gật một hai lần. Trong lúc thức ngủ đan xen đó, tôi gồng mình ép cơn nhức mỏi, căng bắp chân xuống bằng cách thở nhẹ, thở đều. Một cái gì như kéo hai đầu gối lại rồi bung ra. Cái luồng xung động thu vào rồi bung ra ở các đầu ngón chân xảy ra liên tục trong chừng 2 phút. Mọi thứ thoát ra đầu ngón chân cảm giác như thần kinh ma.

Tôi không dám tin đó là trược ra trong lúc nửa thức nửa ngủ. Mọi thứ như một giấc mơ. Nhưng quả thật, sau giây phút đó, người tôi nhẹ tênh và tôi ngồi thêm một lúc nữa mà không thấy mỏi mệt gì.

Ngày cuối cùng, hai lớp trưa và tối học chung. Có hơn 100 người. Dư âm trúng thực tối qua vẫn còn. Cộng thêm đi đường xa khiến tôi như không còn sức lực. Tôi thiền tự do gián đoạn hai lần. Lần thứ ba, tôi tựa tường, đờ đẫn ngước nhìn lên hình Đức Tổ Sư và đại chúng.

- Hôm nay bữa cuối, mọi người thiền đạt mốc 60 phút nhé! Hôm nay đông người, trường lực mạnh lắm đó!

- Ừ, thì 60 phút. Tôi không chắc mình sẽ bước qua.

Tôi gồng mình, thả lỏng, quán chiếu hơi thở và cảm nhận rõ ràng những áp lực dồn nén, tung trào ra các đầu ngón chân. Hai ngón áp út thì giật giật liên tục. Như quả bóng xì hơi, người tôi tan ra nhè nhẹ. 

Xong những đợt buông xả, tôi thấy người nhẹ tênh, cảm giác mỏi mệt, đờ đẫn tan biến.

Một chú trợ thiền nghe tôi chia sẻ mắt đã ánh lên:

- Vậy là tốt rồi, cô có thêm niềm tin rồi đó. Về cứ tinh tấn lên, ngồi đúng, ngồi đều, ngồi đạt nhen!

Giờ chia tay đã đến. Chúng tôi cám ơn giảng huấn, cho nhau số điện thoại.

Tôi miên man nghĩ về bước đường tu tập sắp tới. Mình sẽ tiến bộ hay thoái bộ? Lời giảng huấn như còn đâu đây: “Các cô chú anh chị về đừng phóng to hình Đức Tổ Sư, đừng thắp nhang. Mỗi ngày mình cố gắng luyện tập đúng, đều, đủ, đạt là đã thắp cho thầy mình một nén nhang rồi”.

Tôi tự thấy mình tiếp thu và phản ứng cơ thể chậm như rùa. Nhưng môn sinh rùa vẫn quyết tâm về đích.

 

Tác giả bài viết: Môn sinh HUỲNH THỊ MỸ PHƯỢNG (Trường THPT Thủ Thừa, Long An)

Chú ý: Quý vị đăng lại bài viết ở Website hoặc phương tiện truyền thông khác xin vui lòng  ghi rõ nguồn http://truongsinhhocds.com -Cám ơn!

Tổng số điểm của bài viết là: 60 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 13 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây