Ðạo trong Y khoa

Chủ nhật - 27/01/2013 05:52

Ðạo trong Y khoa

NSGN – Mình sống phước thiện, nghĩa là quả xấu không có cơ hội xâm phạm tới mình, thì người gặp mình, ít nhiều tâm ác cũng ẩn, thiện hạnh sẽ sinh.

          NSGN – Mình sống phước thiện, nghĩa là quả xấu không có cơ hội xâm phạm tới mình, thì người gặp mình, ít nhiều tâm ác cũng ẩn, thiện hạnh sẽ sinh.
          Thời còn trẻ, tôi từng có duyên gặp được một vị Đông y. Ông không bao giờ hỏi tôi bị bệnh thế nào, nhức đầu sổ mũi ra sao. Chỉ việc đưa tay cho ông bắt mạch và ông kê bệnh. Ông có khả năng nói luôn nguyên nhân gây bệnh. Ăn cái gì, sống ra sao đều không thể giấu được ông. 
          Một lần, ông bắt mạch cho bà chị tôi rồi nói: “Nghèo gì tiền thuốc cũng không có trả. Uống xong mấy thang, giàu lên nhớ đền công tôi”. Bà chị đúng là rất nghèo. Tiền thuốc phải do mẹ tôi trả hết. Uống được năm thang, thiên hạ tung tin đổi tiền nhưng bà không tin, chỉ qua một đêm bà phất giàu lên. Hiểu nhân hiểu quả thì biết không phải do mấy thang thuốc mà giàu có được. Chỉ do khả năng bắt mạch của ông có thể thấy được vận nghiệp sắp đến của bà. Cái vận đã có cái nhân từ trước, đến hồi ra hoa trổ quả.
          Ông mất không có đệ tử nối nghề. Không ai có đủ cái tâm để ông truyền nghề. Thật ra cũng được ba người, nhưng không đủ duyên trao truyền. Một người có tâm làm thầy nhưng không có nghiệp làm thuốc. Hai người vượt biên, không đủ thời gian để ông truyền nghề. Có cô con gái muốn theo nghề cha, vẫn thường bắt mạch thay ông khi ông vắng mặt, nhưng việc truyền nghề thì không. Ông bảo nghề thuốc là nghề cứu người mà cũng là nghề giết người. Trao những bí truyền cho kẻ hám lợi thì hại cả hai. Chẳng thà để nó thất truyền.
          Với người am hiểu quy luật đất trời, tâm được đặt lên hàng đầu. “Có đức mà giỏi cả thuốc, lợi đời, lợi mình. Không đức mà lại giỏi thuốc, hại người, hại mình. Chẳng thà nó ngu mà ít tai hại cho nó về sau”. Ông hay nói nhiều về việc tu nhân tích đức, giữ gìn cái tâm sao cho trong sạch. “Có được cái tâm trong sạch là quý nhất đời, đừng để tiền bạc danh vọng làm nhiễm ô nó”.

 

          Cái thời thiên hạ nhớn nhơ nhớn nháo vì tiền, lấy của lấy danh ra làm thước đo giá trị con người, ông lại lơn tơn dạy người không danh, không lợi. Không phải bất tài, chỉ vì cái tâm thấy rõ bản chất danh lợi. Phù du, huyễn hóa nhưng nó có lực lôi mình vào chỗ tối tăm nếu mình không tỉnh. Oan nghiệt theo đó phát sinh. Ông không muốn mình và con chết chìm trong đó, thành việc truyền nghề coi như đứt đoạn, không có hậu sinh.
          Thời đó, cứ nghĩ không danh không lợi là phải cọc cạch ba lô như ông suốt đời. Nghe cũng hơi ngán. Dù vậy, không thể không kính trọng ông. Mẹ tôi thì nói ông gàn: “Ở đời không danh còn được, không lợi lấy gì để sống mà khuyên không lợi. Ngay cả tu đạo, nếu không có thực cũng không thể vực được đạo, huống là cuộc sống đời thường”.
          Y theo nhân quả mà nói, giàu nghèo không phải là thứ có thể dùng để đánh giá đạo đức con người. Không phải giàu là đủ đức còn nghèo thì không. Không phải nghèo là đủ đức mà giàu thì không. Nếu nghèo mới cho đủ đức thì chư Bồ-tát tu Thập thiện hạnh, cái quả sung túc sẽ có, không thể kết luận chư vị thiếu đức. Nếu cho giàu mới đủ đức thì như Lục tổ, chỉ là một nông phu nghèo, nói sao? Vì thế, không thể y tựa cái quả giàu nghèo mà luận có đức, không đức. Chỉ biết giàu có là quả của hạnh cúng dường, bố thí. Chư Phật và các bậc thánh đều dạy chúng sinh bố thí, thì biết giàu có không lỗi. Lỗi là khi ta thừa hưởng quả ấy bằng những phương tiện bất thiện. Hoặc nhân quả ấy, tạo ra những nghiệp bất thiện.
          Khi hiểu giàu nghèo theo cách như vậy, có lẽ việc “không danh lợi” mà ông đã nói không quá khắc nghiệt đến nỗi phải cứ cọc cạch xe đạp cả đời. Chỉ là đừng vì danh lợi mà tạo cái nhân bất thiện. Không vì danh lợi mà tạo ác nghiệp thì không có nghĩa danh lợi không đến. Vẫn đến. Như chư Bồ-tát tiến tu thiện nghiệp lợi ích chúng sinh, cái nhân phước thiện đến hồi đủ duyên, ra quả. Ra quả như thế không phải là lỗi.
          Nói thì thấy dễ nhưng làm thì không phải dễ. Bởi nếu không có quá trình huân tập thiện nghiệp lâu dài, khó mà vững vàng trước danh và lợi. Có danh lợi rồi cũng khó vững tâm để không dính mắc vào đó. Khó nhất là không thấy rõ tâm mình, cái tâm tham ái rất hay bào chữa luồn lách để mình phạm lỗi mà vẫn phây phây với mác lương thiện.

 

          Ngày nay, nhiều việc đáng tiếc xảy ra không phải chỉ nơi chợ đời đổi chác mà ngay cả trong lãnh vực y học, giáo dục, đạo học, là những lãnh vực đòi hỏi thiện tâm rất nhiều. Cũng vì hai chữ danh lợi. Chắc vì là thời… mạt pháp. Là thời mà pháp của Phật không phát triển được như khi Đức Phật còn sống hay vừa nhập diệt. Chùa chiền thấy to, rủ nhau đi chùa thấy nhiều, pháp Phật giảng nói ì xèo… nhưng cái gọi là áp dụng giáo pháp vào trong đời sống thường nhật thì lại rất ít. Nói thì nói giỏi mà làm thì không bao nhiêu, có khi lại còn làm ngược. Cái khổ thấy như chuyện bình thường. Đức Phật, thường được tôn thờ ở mặt ban phước giáng họa hơn là những gì mà Ngài đã dạy nên làm. Trong chốn đáng nhẽ không danh không lợi, nhiều thứ đã thấy không ổn. Ngoài đời, lấy danh lấy lợi làm chỗ hướng đến, làm sao có thể dừng chân trước thiện và ác khi danh và lợi trước mặt? Thật khó!
          Định tĩnh, trí tuệ, từ bi
          Là những khái niệm có lẽ chỉ được nhắc đến trong chốn thiền môn. Nhưng nghiệm qua rồi, mới thấy chúng rất cần thiết cho nhiều lãnh vực ngoài đời, nhất là y học, ngành nghề đòi hỏi lương tâm rất nhiều.
          Bình tĩnh, không rối khi phải đối diện với một tình huống nguy cấp khó xử là tướng định tĩnh. Định trong sáng suốt nên nói định tĩnh. Là duyên giúp sự sáng suốt hiển phát nên nói định tĩnh. Định tĩnh cũng là trạng thái của tâm khi ta làm chủ được những xúc cảm của mình. Cảm xúc dâng trào mà bạn có thể quay vào quan sát, đặt chúng trở thành đối tượng của sự nhận biết, không để chúng sai sử mình, là bạn đang có định tĩnh. Định tĩnh cũng có, khi ta đặt tâm chuyên chú vào việc nào đó, không bị phân tán bởi các việc khác. Nó giúp chúng ta nhận định vấn đề được chính xác hơn. Giúp tâm tập trung dễ dàng. Cũng dễ gây tạo niềm tin và sự an bình cho người đối diện.
          Mấy mươi năm trước, tôi vào bệnh viện vì không thở được. Bởi có bệnh suyễn từ khi mới sinh. Bình thường chỉ cần uống liều thuốc suyễn, làm ấm cái lưng thì vài phút sau cơn suyễn hạ màn. Đợt đó thì không. Lại còn nôn ói. Phải chở vào viện. Và được chẩn đoán “Bị nước trong phổi”. Bác sĩ là người vui vẻ trẻ trung. Đùa với y tá nhiều hơn đặt tâm vào việc đang làm. Ông phán cho tôi căn bệnh mà tôi không có. Chuyển viện, vào Viện Trưng Vương nằm chờ rút nước.
          Bác sĩ trưởng khoa là người đã già. Tôi thấy được sự chuyên chú chậm rãi của ông qua cách mà ông di chuyển ống nghe trên lưng. Lắc đầu: “Suyễn với viêm họng. Không phải là nước trong phổi”. Bệnh lành.
          Định tĩnh rất là quan trọng. Việc gì cũng cần định tĩnh. Bởi nó giúp ta nhận định vấn đề chính xác. Dù rằng “nhận định vấn đề chính xác” lại thuộc về tuệ. Tuệ là cái trí thấy được bản chất(1) muôn sự muôn vật ở thế giới này. Là thứ giúp ta xử lý công việc tốt đẹp. Định giúp phát tuệ. Tuệ củng cố định.
          Tuệ, nhà thiền phân làm hai loại. Một, là trí vô sư. Hai, là trí hữu sư. Trí hữu sư là trí có được do học hỏi từ sách vở. Như Phật tử đọc học kinh sách để biết thế nào là thiện, là ác, quy luật nào chi phối thế giới này, v.v,... để biết cách áp dụng giáo pháp vào đời sống hàng ngày. Trí vô sư, là trí không do học hỏi mà được, là loại trí mà tất cả chúng sinh đều có, chỉ do hai chướng phiền não và sở tri mà không dụng được. Trí hữu sư không phải là trí vô sư(2), nhưng nhờ nó mà Phật tử biết đường tu hành, thâm nhập lại trí vô sư.
          Trí tuệ của y bác sĩ có lẽ cũng cần hai loại như thế. Một, do học hỏi từ sách vở. Một, do kinh nghiệm tự bản thân hoặc do ứng tâm với bệnh nhân mà biết. Do kinh nghiệm thì không phải là trí vô sư, nhưng tạm so sánh như thế, là dựa trên việc ứng tâm và sự nhanh nhạy của tự bản thân.
          Cần sự ứng tâm là vầy: Ở thế gian này, với hai hiện tượng giống nhau, bản chất(3) chưa hẳn như nhau, nhân duyên đưa đến chưa hẳn là một. Cũng như có nhiều thứ bệnh không do tác nhân bên ngoài mà do chính tâm phiền não tạo ra(4). Chỗ này cần sự ứng tâm, để thấy pháp như chính nó trong duyên nó đang an trụ. Một sự ứng tâm không lìa định tĩnh, chuyên môn, kinh nghiệm.
          Con gái tôi ngày còn nhỏ, bị tiêu chảy đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng. Song càng uống thuốc nó càng tiêu chảy. Ngày đó bệnh viện thuốc men rất thiếu. Truyền dịch không phải ai cũng truyền được. Năn nỉ lắm mới được hai chai. Mình thiếu hiểu biết, thay vì cho con uống nước nhiều vô, lại cấm. Người nó ngày càng khô khốc.
          Đảo quanh các phòng, thấy trẻ cùng bệnh với con còn da bọc xương. Xương cụt nhô hẳn ra ngoài. Một đứa vừa chết. Bác sĩ điều trị đang khóc. Tôi thấy tương lai con tôi cũng không khác mấy. Gầy rọc và chết. Hoang mang. Không biết nên mang con về hay để con lại tiếp tục điều trị. Vì mang nó về, có nghĩa là không thể vào được nữa. Quy chế của viện là không nhận lại khi mình tự ý bỏ về. Tôi dặn mẹ mua bông chuối về cúng. Còn tôi niệm Phật liên tục. Mong tìm một sự quyết định đúng đắn. Và rồi, tôi mang con về.
          Giữa đường, gặp bà chị họ, bà hỏi việc gì? Tôi nói con bé tiêu chảy, tôi trốn viện về. Bà nói chắc nó viêm họng rồi uống trụ sinh nhiều quá mà sinh tiêu chảy. Không mua Biolactin cho uống, tọng thêm trụ sinh thì chết cái chắc. Nghe thấy có lý, tôi mua Biolactin cho uống. Cầm liền.
          Định tĩnh, tình thương dù đủ mà thiếu trình độ “nhìn pháp đúng như chính nó”, trở thành đao phủ như chơi. Cho nên, đạo đức đầu tiên mà một y sĩ cần có là phải tập trung đào luyện chuyên môn cho vững. “Với nghề đã có, siêng năng trau dồi”(5). Song muốn đào luyện chuyên môn cho giỏi, thì trước tay nghề phải có. Có rồi, cần “Nhất nghệ tinh…”. Nhất, nghĩa là không hai cũng không ba. Công việc chỉ là công việc. Không đặt danh lợi ngang hàng. Không lồng thân sơ trong đó. Được vậy thì nghề trở thành tinh xảo. Nghề y là nghề cứu người. Trong cái yêu nghề có cái yêu người. Một tấm lòng từ, không lấy danh lợi làm trọng thì “Nhất nghệ tinh…”.

 

          Đáng nói, hiện nay báo chí phanh phui một số sinh viên vào các đại học chuyên ngành không bằng năng lực mà bằng tiền bạc. Nghĩa là tồn tại một số bác sĩ vừa thiếu đạo đức, vừa thiếu chuyên môn. Hung thần dành cho bệnh nhân thiếu phước ở cõi Sa-bà.
          Lòng vòng ba chữ lợi, danh, nghề nghiệp, chỉ do tâm người coi trọng thứ nào mà thành lương y hay bất lương y.
          Một Thiền sư nói: “Khi ta thấy rõ vạn pháp trong thế giới này đều hạn cuộc và tương đối thì ta sẽ hài lòng trong mái nhà tranh đơn sơ nhất(6). Có lẽ, ông muốn nói đến mặt duyên khởi họa phước trong thế giới này. Âm liền với dương, trong phước có họa, v.v,… Môt khi đã nói đến phước, thì họa ẩn tàng đâu đó. Nếu ta thừa hưởng quả phước bằng những phương tiện lương thiện, gây tạo thêm nhiều thiện nhân thì phước vẫn đó, họa không thể hiển. Nếu hưởng quả ấy bằng các phương tiện bất thiện thì họa coi như nhú mầm, đủ duyên trổ quả. Vấn đề là thời mạt pháp, trong chốn Sa-bà này đây, danh lợi dễ liền ác nghiệp. Bởi tâm tham ái con người không có bến dừng. Hay thích thừa thắng xông lên. Không biết thế nào là đủ. Vụ bất động sản hiện nay là một điển hình. Chuyên gia cảnh báo rất nhiều. Bất động sản thế giới sụp đổ… nhưng bao nhiêu người kịp rút chân ra? Cứ lao như con thiêu thân. Bởi vì tham dục che đậy, đâu còn tỉnh trí. Vinh hoa phú quý đều có cái giá của nó. Có người cũng đã nhận ra, ao ước trở về cuộc sống bình thường trước kia, nhưng không phải dễ.
          Khi làm một việc gi đó cho người, cần hiểu việc đó tác động lại mình sẽ y như thế bằng nhiều phương cách. Trực tiếp ngay mình. Gián tiếp qua các con cháu có đồng cái nghiệp với mình. Vì thế, làm tốt mọi thứ cho người chính là làm tốt cho mình cũng như con cháu nhà mình. Danh lợi là thứ phù du có đó mất đó nhưng nghiệp thì đeo đẳng mình. Hoạn nạn tai ương rất dễ xảy ra, sức người không thể lường thấu. Ham chi!
          Tản mạn đời thường…
          Vừa rồi có dịp vào thăm người quen ở Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương. Bệnh viện khá lớn, rất sạch và vắng. Cái vắng khiến mình liên tưởng đến ế. Nhưng không, vắng hơn viện khác rất nhiều nhưng giường không hở. Người quen của tôi phải chờ sáu tiếng mới nhập viện được. Bác sĩ hai viện khác nhau cùng nói với tôi một ý: “Ca nào, khoa răng hàm mặt ở bệnh viện em không thể giải quyết, đều phải qua đó”. Xem ra, viện này không phải không có chất lượng mà còn có chất lượng cao, đúng như dòng chữ được khắc thật to trên tường. Viện chưa quá tải vì chưa ai biết hay vì phí cao?
          Con bé vừa vào đến giường, liền được phát một tờ rơi. Khuyến cáo không được đưa tiền cho y bác sĩ ngay cả lao công. Người bệnh ở đó xôn xao: “Có thật không phải đưa tiền?”. Té ra cái việc vào viện không phải đưa tiền lót tay lại là chuyện lạ ở thời buổi này. Con nhỏ công tác tư tưởng cho tôi: “Người đưa người nhận đều bị đuổi hết á cô. Bác sĩ ở đây lương cao, nước ngoài về hết. Vài trăm, một triệu của mình không đáng gì đâu …”. Con nhóc không thể chỉ mới vào viện một đêm mà tra được hết bác sĩ lương cao và toàn ở ngoại quốc về. Chẳng qua nó sợ nên phát thông thái bất tử. Mới hay, nếu đưa hối lộ mà thiệt, không đưa hối lộ mới yên thì không có việc hối lộ. Cái tội là tất cả ở chỗ, phải đưa hối lộ mới xong, không đưa hối lộ chìm xuồng, thành nạn tham nhũng không thể chấm dứt.
          Phật nói: “Cái này có nên cái kia có. Cái này không nên cái kia không”. Có người ăn hối lộ mới có người đưa hối lộ. Không người ăn hối lộ thì không ai dám đưa hối lộ. Có người đưa hối lộ mới có người ăn hối lộ. Không ai đưa hối lộ, lấy ai ăn hối lộ? Duyên khởi, chỉ cần dứt đi một vế thì vế còn lại hết duyên để khởi. Cái quả hối lộ chấm dứt.
          Mình là bệnh nhân, là kẻ chịu thiệt, đáng nhẽ cần phải vùng lên. Không đưa thì ai còn ăn hối lộ được nữa? Nhưng mà không đưa… thì hết một tháng, hai tháng rồi đến ba tháng, cũng không thấy kêu xạ trị. Cứ bảo máy hư chưa biết khi nào sửa xong. Mà đưa thì máy hết hư, tên được gọi liền, xạ trị rất tốt. Trong một luồng sóng quá mạnh, một mình cưỡng lại chỉ có thiệt mình, thành phải bấm bụng làm theo người khác cho xong. Truyền tai mà thành cái lệ… Ở đây đưa giấy khuyến cáo chặn ngay lúc đầu. Chỉ một tờ rơi, bứt cả hai duyên. Đã quyết tâm làm, việc gì cũng xong.

 

          Viện phí không biết là mắc hay rẻ. Có lẽ không mắc với người kha khá còn với người nghèo thì chắc không rẻ. Bởi vì bảo hiểm không được thanh toán trong mục mổ công nghệ cao và giường dịch vụ. Chỉ thấy bệnh viện lo ăn ba bữa khá tốt. Con nhỏ ăn cháo thịt heo, hủ tiếu. Mỗi bữa mười hai ngàn đồng. Thấy rất sạch sẽ…
          Ngồi đó nhìn quanh, thấy cười nhiều hơn nhăn nhó. Không thấy tấp nập ồn náo như các viện khác. Thấy khá yên bình, thong dong, sạch sẽ. Dặn dò bệnh nhân cũng thấy êm dịu, ân cần, kỹ lưỡng. Vô viện như vậy, nỗi đau cũng được xoa dịu ít phần. Không biết tại duyên mình tốt nên ít thấy thiên hạ nhăn, hay là vì giường dịch vụ, mổ công nghệ cao mà thành như thế? Có lẽ cả hai. Nhưng nó khiến mình nghiệm ra một điều: Mệt mỏi căng thẳng quá độ dễ sinh cáu gắt. Mặc dù có khi cáu gắt không do căng thẳng mà do quan liêu. Bệnh viện lâu đời, bệnh nhân quá tải, tắc trách dễ sinh, bệnh viện khó sạch. Mặc dù có khi… bác sĩ lương thấp, bệnh nhân quá đông, mới có biếu xén lót tay đi trước. Mặc dù có khi… vấn đề là cớ làm sao bệnh viện lại đông đến mức quá tải để sinh nhiều thứ như thế? Đơn giản, là vì quá khứ cho đến hiện tại, chúng ta thiếu… tu. Chúng ta không thể gầy dựng cho mình một đời sống đạo. Cái nhân chúng ta gieo được nó khuyết một mặt nào đó. Vì lý do gì, đây không bàn đến. Chỉ nói cái nhân như thế cho ra cái quả như thế. 
          Y theo Duyên khởi mà luận, tốt xấu ở đời không phải chỉ do bác sĩ giỏi dở mà còn lệ thuộc phước đức người bệnh. Người đời thường nói: “Phước chủ may thầy” là đó. Thầy dù có giỏi, người bệnh không phước, khó gặp. Có gặp bệnh cũng không lành. Cho nên bình thường, cần nên tu thân dưỡng tánh cho nhiều để phòng những lúc không may.

 

          Có người cho rằng tu hành là phải đến chùa, tụng kinh, niệm Phật, v.v,… Không sai, nhưng nói như thế, hạn chế cho việc tu hành rất nhiều. Với người không thuộc đạo Phật xem ra rất khó. Nhưng việc tu hành Phật dạy không hề hạn chế với bất cứ ai. Niệm Phật, ngồi Thiền, v.v,… là những phương tiện giúp ta nhiếp tâm giữ gìn ba nghiệp trong sạch. Ba nghiệp trong sạch mới là việc chính. Miệng không nói bậy, không gieo tiếng ác cho người, không dùng miệng lưỡi hại người tiến thân, v.v,… là đang sống đạo. Thân không tà dâm, không đánh đập người, v.v,… là đang sống đạo. Ý nghĩ không lộ ra ngoài như thân và miệng, nhưng nó là thứ quyết định những việc mình làm. Vì thế cần phải chăn dắt nó kỹ. Không để xâm phạm lúa mạ nhà người. Đó là sống đạo.
          Sống đạo, thể hiện qua việc giữ gìn năm giới của người tại gia. Không sát sinh, trộm cắp, rượu chè, nói dối, tà dâm. Sống được như thế chính là đang gieo thiện nhân. Không phải là việc khó làm. Vấn đề là ta có tin nhân quả chi phối tất cả để làm việc đó hay không.
          Đừng sợ sống đạo lạc lõng giữa thế giới này. Mình sống phước thiện, nghĩa là quả xấu không có cơ hội xâm phạm tới mình, thì người gặp mình, ít nhiều tâm ác cũng ẩn, thiện hạnh sẽ sinh. Sống đạo, xem ra không chỉ lợi mình mà lợi cả người. Sống đi cho đời yên vui.
  
 Chú thích
(1) Vì là duyên khởi, nên từ “bản chất” dùng đây có thô, có tế.
(2) Ở đây đang nói về mặt “không phải một” của trí hữu sư và vô sư.
(3) Tuy dùng hai từ “bản chất” nhưng là bản chất thô của mọi hiện tượng. Không phải tánh không.
(4) Như bệnh bao tử, có khi là do căng thẳng lo lắng tạo ra.
(5) Kinh Tạp A-hàm I, Bài kinh thứ nhất.
(6) Bạch Ẩn thiền định ca, Amakuki Sessan, Ni sư Hạnh Huệ và Thuần Bạch dịch.
 

Mời quý vị xem thêm bài:
 "Thắp sáng mãi hào quang Trường Sinh học".

 

Tác giả bài viết: CHÂN HIỀN TÂM

Nguồn tin: www.giacngo.vn/nguyetsan

Tổng số điểm của bài viết là: 185 trong 44 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 44 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây