Thiền Ki-tô giáo (Kỳ 1)

Chủ nhật - 20/07/2014 05:12

Thiền Ki-tô giáo (Kỳ 1)

Người Việt biết Thiền qua các dòng tu Phật Đại Thừa và Thiền Tông Trung Hoa. Vì vậy, Ki-tô hữu Việt thường ái ngại khi nói đến Thiền vì tin rằng đó là một sản phẩm Phật giáo. Thực ra, Thiền bắt nguồn từ nền minh triết Ấn Độ và đã có trước khi Phật Thích Ca ra đời.

       Người Việt biết Thiền qua các dòng tu Phật Đại Thừa và Thiền Tông Trung Hoa. Vì vậy, Ki-tô hữu Việt thường ái ngại khi nói đến Thiền vì tin rằng đó là một sản phẩm Phật giáo. Thực ra, Thiền bắt nguồn từ nền minh triết Ấn Độ và đã có trước khi Phật Thích Ca ra đời. Vào thế kỷ III, Thiền được phổ biến qua Seria và Jordan. Thế kỷ X, Thiền truyền qua Nhật bản, Âu Châu và đại lục Sô-viết. Đến thế kỷ XVIII, hầu hết các nước trên thế giới đều biết đến Thiền. Qua những giao thoa văn hóa, Thiền biến thái thành nhiều môn phái. Ngay Thiền Tông Trung Hoa, mà người Việt quen thuộc, cũng chia ra nhiều phái, nào Nam Tông, Bắc Tông, Tào Động, Lâm Tế,… Vì vậy, không thể đưa ra một dạng cụ thể nào làm mẫu mực khi nói về Thiền.


 
       “Thiền” theo nguyên ngữ Phạn (Sanskrit) là “dhyana”. Phật Thích Ca đọc theo âm Pali của ngài là “jhana”. Chữ jhana chuyển qua Tạng ngữ là “dzogchen” và qua Hoa ngữ là “ch’an”. Từ ch’an chuyển qua Nhật ngữ là “zen” và chuyển qua Việt ngữ là “thiền”. Zen được người Tây phương giữ nguyên chữ zen hoặc dịch là meditation. Chữ meditation (chiêm niệm) đã có từ rất lâu trong ngôn ngữ Thiên Chúa giáo phương Tây. Vì vậy để mặc cho nó một nghĩa mới, nhiều nơi người ta dùng chữ Christian Meditation (Thiền Ki-tô). Tóm lại, từ “dhyana” trở thành “Thiền” là một phiên âm sai lạc qua nhiều chặng đường. Thiền tự chính nó không có bóng dáng một tôn giáo nào.
       Chiêm niệm bắt đầu từ thời sơ khai của giáo hội và chỉ dành riêng cho các tu sĩ. Sử có ghi vào thế kỷ III nhiều tu sĩ vào sa mạc để sống đời chiêm niệm. Theo khái niệm chiêm niệm thời cổ, chúng ta hiểu là có gắn bó với Thiền. Ngay danh xưng monk (tu sĩ) và monastery (tu viện) đã nói lên thâm ý của các tổ phụ chiêm niệm. Monk và monastery cùng có gốc Hy Lạp “monos” nghĩa là đơn độc. Theo truyền thuyết, đã có nhiều Tổ Thiền nổi danh như Moses, Poemen, Joseph,… Câu nói đầy Thiền tính của Tổ Phụ Moses là: “Hãy về tĩnh tọa trong phòng. Căn phòng sẽ dạy ta mọi sự”. Tuy nhiên, những vị Tổ này đều sống ẩn tu, nên người đời sau không biết nhiều về họ. Một tôn sư được lịch sử nhắc tới là thánh Pantaenus với một cuộc đời đầy huyền thoại. Sử cho biết ngài đã sống ở Ấn Độ và được truyền thụ dhyana. Thánh Pantaenus sau đó truyền dhyana cho đệ tử là thánh Clement. Clement truyền lại cho Origen. Năm 300 thánh Paul lập tu viện ở núi Thebes bên Ai Cập. Thánh Paul là vị ẩn danh nên không để lại vết tích nào. Năm 310, thánh Anthony (250 – 356) thành lập tu viện trên núi Cairô quy tụ hằng ngàn tu sĩ sống đời chiêm niệm và tu Thiền. Atanasius, Giám Mục Alexandria, viết về thánh Anthony như sau: “Ngài đơn độc vào sa mạc ẩn trú trong hốc đá. Cứ 6 tháng ngài đi lấy lương thực một lần. Ngài ở đơn độc như vậy trong nhiều năm để tu luyện cách từ bỏ mình”.
       Vào thời trung cổ, Thiền được giới thiệu cho Ki-tô hữu bởi giáo sĩ Ric-hard (? – 1173). Hiện thời, Thiền được phổ biến rộng rãi nhờ công của các linh mục dòng Bênêđíc. Hai Tổ Thiền nổi tiếng là Thomas Merton (1915 – 1968) và John Main (1926 – 1982). Cha Merton, nhà thần học lớn của Công Giáo, có công đào sâu ý niệm về Thiền. Cha Main có công dậy về luyện thiền. Trước khi đi tu, John Main đã học Thiền với một đạo sư Ấn Độ. Sau khi thụ phong linh mục, Main lập ra 2 đại thiền viện, một ở Luân Đôn và một ở Gia-Nã-Đại. Hiện tại, vị kế nghiệp cha Main là cha Laurence Freeman (1951 – ?). Gần đây Ki-tô hữu Việt hải ngoại cũng biết tới Thiền qua sự giới thiệu của cha Chu Công (1918 – 2004), Tu Viện Trưởng dòng Tra-pít. Cha Chu Công thụ huấn Thiền với thiền sư Nhật Bản Joshu Sasaki Roshi. Ngoài ra, những đoản văn ghi những vấn đáp Thiền được phiên dịch và phổ biết rộng rãi trong giới Công Giáo. Có lẽ, để tránh sự nhạy cảm lạc hướng, danh xưng “thiền sư” hay “guru” được dịch là “minh sư” cho có tính trung hòa. Sự đón nhận Thiền của các linh mục đã đánh tan mối dè dặt của Ki-tô hữu về một kỹ thuật tĩnh tâm rất sống động.
        Khái niệm Thiền
       Bất cứ đời sống tâm linh nào cũng phải đi đến giai đoạn tĩnh tâm thiền định. Đó là nhu cầu tâm hồn hòa nhập vào Đại Ngã. Cha Shannon gọi là trở về sống trong vườn địa đàng, nơi ta không còn cái Tiểu Ngã là gốc phát sinh những phân chia nhị nguyên giả tạo. Thiền không phải là một hệ thống tư tưởng, hay cảm giác, hoặc một nhận thức tâm lý,… Vì vậy, ta đừng rơi vào cạm bẫy tìm hiểu Thiền qua những giảng giải đầy chữ nghĩa. Thiền là một chứng nghiệm sống không thể giảng giải. Khi ta bị đau vì đứt tay. “Đau” là một thực tại sống, không phải là khái niệm. Nếu phân tích “đau là gì?”, ta phải đóng khung nó vào một khái niệm. Đau trở thành một khách thể để suy tư. Nhưng ta không thể kinh nghiệm đau qua suy tư giảng giải. Sự thật đau là đau. Ta và đau là một. Chủ và khách không có. Trong Thiền có câu “Dù nói mãi về đồ ăn cũng không làm ta no bụng”.
       Tuy nhiên, người ta thường không thể chấp nhận một điều gì đó mà không có tối thiểu một vài khái niệm về nó. Vì vậy, người ta đành phải có luận bàn về Thiền. Triết gia Descartes nói một câu thâm sâu: “Tôi suy tưởng, vì vậy tôi hiện hữu”. Câu này rất đúng với trí thức, nhưng đối với Thiền nó lại hoàn toàn sai. Trong Thiền, ta càng suy nghĩ bao nhiêu, ta càng xa chân thân bấy nhiêu. Nếu ta lệ thuộc vào “cái tôi suy tưởng”, ta sẽ không thể kinh nghiệm được sự thức tỉnh. Khi ta nói, “tôi hiện hữu” ta bắt buộc phải đẩy Chúa ra ngoài thành một đối tượng. Nhưng bản thể của Chúa là “Ta Là” (I Am) trong trạng thái “đang là” ở mọi nơi và trong hiện tại.
       Tại sao trí thức không thể giúp ta ý thức? Ta hãy nhận diện sự diễn tiến của trí thức. Trí thức xác định mỗi vật phải có một vị trí riêng trong không gian và thời gian. Nhờ có khoảng không gian biệt lập này, mà con người có chỗ đứng để nhìn ngắm và suy tưởng về vạn vật. Khi ta nhìn ngắm bông hoa, ta phải đứng ở vị trí của ta và bông hoa phải đứng ở vị trí đối lập với ta. Ta là ta. Bông hoa là bông hoa. Như vậy luôn luôn có hai thế đứng: chủ và khách. Sự biện biệt này là cách đánh lừa rất sâu sắc của trí thức. Nó sẽ dẫn ta tới những lối bí khó gỡ. Trong đời sống tâm linh, để có thể gọi là “ý thức”, ta với đối tượng phải hòa làm một. Muốn “chứng nghiệm” Tâm phải thanh tịnh để không có một ý nào của tri thức lọt vào. Nếu ta phải nương vào khái niệm để biết, ta sẽ luẩn quẩn lạc lối trong khái niệm mà không bao giờ có kinh nghiệm về thực tại. Một cách cụ thể khi Thiền ta hãy ngồi im lặng coi như thân xác đã chết dù tâm trí vẫn tỉnh. Ta bỏ lại đàng sau tất cả những gì liên quan đến đời sống trần thế, kể cả thân xác chính ta. Có như vậy ta mới tái sinh vào một thế giới cao đẳng hơn. Khi đó ta đạt thức tỉnh sự hiện hữu “đang là” của Thiên Chúa.
       Theo Đạo học Đông Phương, Tâm là một bản thể tĩnh lặng. Tâm như bầu trời là một khoảng trống mênh mông, không màu sắc, không tiếng động, không quá khứ, không tương lai. Trong khi đó tư tưởng như những đám mây vần vũ, luôn luôn di chuyển, thay hình đổi dạng, và che khuất bầu trời. Người chứa đầy tư tưởng trong trí óc cũng như bầu trời bị mây phủ dầy đặc. Như vậy, Tâm vốn an tịnh, mọi rắc rối đều bởi trí óc mà ra. Chúng là tiến trình của những chuỗi tư tưởng đến rồi đi. Do đó, tư tưởng chỉ là cái nhất thời. Chúng không phải là ta, nhưng là những kẻ bên ngoài tới rồi đi như những vị khách. Ta đón nhận chúng, khách tốt lẫn khách xấu, nhưng không thay đổi vị thế chủ nhà của mình. Có nghĩa là trí biến dịch nhưng ta vẫn tồn tại ở đây với Tâm thanh khiết và đơn thuần. Vén mây để nhìn vào bầu trời, đặc ngữ Thiền gọi là “quán tâm” (nhìn vào nội tâm). Nhìn ra sự thanh khiết của bầu trời (Tâm) gọi là “Ngộ” (trực giác biết không qua trí thức). Muốn nhìn vào bên trong Tâm, đơn giản chỉ là ngồi im lặng gạt bỏ mọi tạp niệm, tức ngồi thiền. Thiền là đẩy những đám mây mù đặc để bầu trời (Tâm) yên tĩnh hiện ra.
       Một số nhà tư tưởng Công Giáo giải thích Thiền là dạng cầu nguyện tập trung (centering prayer). Cầu nguyện tập trung là đặt tất cả ý thức sự hiện hữu của mình an trú trong thời điểm hiện tại với Chúa. Cha Chu Công nói: “Ta không tìm bình an, không tìm giác ngộ, không tìm gì cho mình… Chúa là tất cả của giờ cầu nguyện”. Cha Merton cho rằng: cầu nguyện không phải chỉ là đứng trước Thiên Chúa để nói một điều gì, nhưng còn là để “kinh nghiệm niềm vui cuộc sống trong sự hiện diện của Ngài”.
       Thiền là ngồi “cầu nguyện” nhưng không đọc kinh, không suy ngẫm, không chiêm niệm, và không tư tưởng. Ta không có ý cầu nguyện bất cứ điều gì, dù là cầu nguyện với Thiên Chúa. Ta cũng không hy vọng bất cứ điều gì xảy ra, dù là hy vọng vào Thiên Chúa. Ta đóng lại mọi giác quan, mọi xúc cảm, mọi suy nghĩ, mọi lo lắng, mọi ràng buộc, để chìm vào cõi im lặng của hư vô. Khi Thiên Chúa sinh ra con người, Thiên Chúa thở hơi vào xác phàm của con người. Xác phàm trở thành mạng sống, vì hơi thở của Thiên Chúa là Thần Khí ban sự sống. Vậy trong Thiền, ta chỉ nên ngồi im lặng mà hít thở. Ta hòa tan hữu thể với Thần Khí ban sự sống. Thiền không phải là việc làm của trí thông minh, nhưng là thời gian của đức tin và lòng khiêm nhường. Tất cả mọi ý thức của ta tập trung hoàn toàn trong ý thức “đang im lặng trong niềm tin”. Các thần học gia gọi phương thế giữ mình trong im lặng là sự an trú trong tình yêu của Thiên Chúa.
       Yếu quyết của Thiền là giải phóng mọi ràng buộc để mình là chính mình. Giải phóng là buông xả mọi xiềng xích. Nếu ta không buông xả, ta vẫn còn vướng mắc trong một khuôn mẫu chật hẹp nào đó. Mọi khuôn mẫu đều bị giới hạn trong vòng kiểm soát của trí óc. Chưa buông xả, ta chưa đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Hãy hủy bỏ mọi tư tưởng. Hãy hoàn toàn tĩnh lặng để tâm hồn chìm sâu vào hư vô, nơi Thiên Chúa hiện diện.

       *Xem tiếp:  Kỳ 2.
 

Tác giả bài viết: ĐỖ TRÂN DUY

Nguồn tin: www.tgpsaigon.net

Tổng số điểm của bài viết là: 78 trong 17 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 17 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây