Thơ dưỡng sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thứ ba - 01/10/2013 18:51

Thơ dưỡng sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là nhà giáo, nhà tiên tri, nhà thơ triết lý, nhà văn hoá lớn của thời Lê – Mạc. Sinh thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm có viết mấy bài thơ về dưỡng sinh và còn lưu danh đến ngày nay.

        Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là nhà giáo, nhà tiên tri, nhà thơ triết lý, nhà văn hoá lớn của thời Lê – Mạc. Ông quê gốc ở huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông sinh cùng thời với Nostradamus (1503 – 1566), nhà tiên tri đại tài của phương Tây. Sinh trưởng trong một danh gia vọng tộc, thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định, thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lan, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo. Ông khôi ngô tuấn tú và có tư chất thông minh khác thường, một tuổi đã nói sõi, năm tuổi đã thuộc nhiều thơ văn chữ Nôm truyền miệng và kinh sách được mẹ dạy cho. Lớn lên, ông theo học người thầy nổi tiếng tinh thông Lý học là Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông có nhân cách và tài năng lỗi lạc nên đã được thầy giảng dạy Bát quái đồ, Kinh Dịch, Lý học và trao truyền cho bộ sách Thái Ất Thần Kinh.


 
        Năm 1542, ông đã xin cáo quan ở tuổi 53. Sau khi về trí sĩ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mở trường dạy học, dựng am Bạch Vân, quán Trung Tân cạnh sông Hàn Giang, lấy hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ và học trò gọi ông là "Tuyết Giang Phu tử". Nguyễn Bỉnh Khiêm được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam. Ông đã cho ra đời "Sấm ký" là những lời tiên tri mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình”.
        Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà văn hoá lớn, nhà thơ triết lý, nhà hiền triết thông kim bác cổ, tài danh lỗi lạc "tác giả lớn của văn học thế kỷ XVI và của cả giai đoạn văn học thế kỷ XVI, XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII" (Từ điển Văn học Việt Nam). Ông đã để lại tập thơ chữ Nôm "Bạch Vân Quốc ngữ thi tập", "có cả ngàn bài", theo lời "Bài tựa" của chính ông, và nhiều bài thơ chữ Hán. Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cập đến nhiều vấn đề hiện thực xã hội, là tiếng nói về đạo lý ở đời. Vũ Khâm Lân đã khen "văn chương của tiên sinh thường bộc lộ cái tấc dạ ưu thời mẫn thế, không cần điêu luyện mà tự nhiên, giản dị mà lưu loát, thanh đạm mà ý vị, câu câu đều có ngụ ý răn đời" "ý nghĩa thanh cao mà siêu thoát".
        Cụ từ trần ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 95 tuổi. Vua Mạc Mậu Hợp truy phong Nguyễn Bỉnh Khiêm là Lại Bộ Thượng Thư Thái Phó Trình Quốc Công, nên nhân dân quen gọi là Trạng Trình. Nhận xét về Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết trong bộ sách lớn Lịch triều hiến chương loại chí: "Một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở". La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp khi về thăm đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, có bài thơ Quá Trình tuyền mục tự (Qua thăm đền cũ Trình tuyền) đã xem Trình tuyền là người có tài "Huyền cơ tham tạo hóa" (nắm được huyền vi của tạo hóa). Tiến sĩ thời nhà Hậu Lê Vũ Khâm Lân đã làm bia ở đền Trạng Trình và nói rằng danh tiếng Trạng Trình “Như núi Thái sơn, sao Bắc Ðẩu/ nghìn năm sau như vẫn một ngày”.
        Sinh thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm có viết mấy bài thơ về dưỡng sinh và còn lưu danh đến ngày nay:
 
Thơ chữ Hán:
DƯỠNG SINH THI

                 Tích khí, tồn tinh, cánh dưỡng thần
                 Thiểu tư, quả dục, vật lao thân.
                 Thực thôi bán bảo, vô kiêm vị,
                 Tửu chỉ tam bôi, mạc quá tuần
                 Mỗi bả hý ngôn, đa thủ tiếu,
                 Thường hàm, lạc ý, mạc sinh sân
                 Nhiệt viêm, biến trá, đô hưu vấn
                 Nhiệm ngã tiêu dao quá bách xuân
 

Tạm dịch:
THƠ DƯỠNG SINH

                 Giữ khí, gìn tinh, lại dưỡng thần
                 Ít lo, ít muốn, ít lao thân.
                 Cơm nên vừa bụng, đừng nhiều vị,
                 Rượu chỉ vài phân, chớ quá từng.
                 Miệng cứ câu đùa, vui miệng mãi,
                 Bụng thường nghĩ tốt, bụng lâng lâng.
                 Bốc đồng, biến trá, thôi đừng hỏi,
                 Để tớ tiêu dao đến tuổi trăm.

                                                    (GS. Lê Trí Viễn dịch)
 

Thơ Nôm:
NHÀN

                 Một mai, một cuốc, một cần câu,
                 Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
                 Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
                 Người khôn, người đến chốn lao xao.
                 Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
                 Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
                 Rượu đến cội cây, ta sẽ nhắp
                 Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
 

 
CHÍN MƯƠI

                 Tóc đã lưa thưa, răng đã mòn,
                 Việc nhà đã phó mặc dâu con.
                 Bàn cờ, cuộc rượu, vầy hoa cúc
                 Bó củi, cần câu, trốn nước non.
                 Nhàn được thú vui hay nấn ná,
                 Bữa nhiều muối bể chứa tươi ngon
                 Chín mươi thì kể xuân đà muộn
                 Xuân ấy qua thì xuân khác còn.
 

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 95 trong 21 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 21 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Phạm Duy Lương

    Về bài thơ "Dưỡng sinh" của Nguyễn Bỉnh Khiêm tôi xin mạnh dạn có bài sau:
    Dưỡng sinh
    Gìn tinh, dưỡng khí, thảnh thơi thần
    Lo nghĩ mực chừng, tránh hoại thân
    Lửng bụng cơm ăn, nên ít vị
    Lưng ly rượu uống, chớ nhiều tuần
    Vui cười cửa miệng luôn tươi trẻ
    Khoáng đạt trong lòng mãi thắm xuân
    Xảo trá, so bì đừng gọi tới
    Nàng xoan đón tớ vượt trăm lần.
    PHẠM DUY LƯƠNG (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh)

     Phạm Duy Lương  phamluongduy@gmail.com  07/10/2013 23:52
  • Bản dịch của GS. Lê Trí Viễn diễn đạt tương đối sát ý của tác giả, nhưng lại phạm luật thơ Đường. Có bác nào có bản dịch thơ khác không nhỉ? Nếu có, xin quý vị vui lòng gửi về BBT theo địa chỉ e-mail: truongsinhhocds@gmail.com nhé!

. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây