Thêm mấy bản dịch DƯỠNG SINH THI của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Chủ nhật - 15/11/2015 05:10
Sinh thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm có viết bài thơ về dưỡng sinh bằng chữ Hán còn lưu danh đến ngày nay

      Sinh thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm có viết bài thơ về dưỡng sinh bằng chữ Hán còn lưu truyền đến ngày nay. Trước đây đã có một bản dịch thơ của Giáo sư Lê Trí Viễn, nay CLB Trường Sinh học Dưỡng sinh trân trọng giới thiệu thêm một vài bản dịch thơ của tác giả Phạm Duy Lương, Nguyễn Minh Thanh và Lư Kiến Sơn để bạn đọc xa gần cùng thưởng lãm:
 
Phiên âm Hán Việt:
Dưỡng sinh thi
 
                    Tích khí, tồn tinh, cánh dưỡng thần
                    Thiểu tư, quả dục, vật lao thân.
                    Thực thôi bán bảo, vô kiêm vị,
                    Tửu chỉ tam bôi, mạc quá tuần
                    Mỗi bả hý ngôn, đa thủ tiếu,
                    Thường hàm, lạc ý, mạc sinh sân
                    Nhiệt viêm, biến trá, đô hưu vấn
                    Nhiệm ngã tiêu dao quá bách xuân
 
 

Dịch theo thể ĐƯỜNG LUẬT:
Thơ dưỡng sinh
 
                    Giữ khí, gìn tinh, lại dưỡng thần
                    Ít lo, ít muốn, ít lao thân.
                    Cơm nên vừa bụng, đừng nhiều vị,
                    Rượu chỉ vài phân, chớ quá từng.
                    Miệng cứ câu đùa, vui miệng mãi,
                    Bụng thường nghĩ tốt, bụng lâng lâng.
                    Bốc đồng, biến trá, thôi đừng hỏi,
                    Để tớ tiêu dao đến tuổi trăm.
 

Bản dịch của Giáo sư LÊ TRÍ VIỄN
 
 

Dưỡng sinh

                    Gìn tinh, dưỡng khí, thảnh thơi thần
                    Lo nghĩ mực chừng, tránh hoại thân
                    Lửng bụng cơm ăn, nên ít vị
                    Lưng ly rượu uống, chớ nhiều tuần
                    Vui cười cửa miệng luôn tươi trẻ
                    Khoáng đạt trong lòng mãi thắm xuân
                    Xảo trá, so bì đừng gọi tới
                    Nàng xoan đón tớ vượt trăm lần.
 

Bản dịch của PHẠM DUY LƯƠNG (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh)
 

Bài thơ dưỡng sinh
 
                    Giữ khí, gìn tinh, với dưỡng thần
                    Ít lo, bớt muốn, bớt lao thân
                    Cơm ăn vừa đủ, đừng nhiều vị
                    Rượu uống vài phân, chớ lắm lần
                    Miệng hãy cười vui, lời thoải mái
                    Tâm nên nghĩ tốt, ý lâng lâng
                    Giận hờn, dối trá, hằng xa lánh
                    Ta sẽ an nhàn quá tuổi trăm.
 
Bản dịch của NGUYỄN MINH THANH
 
 
Thơ dưỡng sinh
 
                    Giữ khí, gìn tinh, bảo vệ thần,
                    Giảm lo, bớt muốn, nào lao thân.
                    Ăn vừa gạo sạch sao đơn giản,
                    Uống ít rượu thơm chẳng quá phần.
                    Miệng hãy vui đùa lời nhã nhặn,
                    Tâm thường buông xả nhẹ nhàng thân.
                    So đo xảo trá thôi đừng hỏi
                    Ta sẽ tiêu dao trăm tuổi xuân.
 
Bản dịch củaLƯ KIẾN SƠN (Châu Phú, An Giang)


Dịch theo thể LỤC BÁT:
 
Bài thơ dưỡng sinh
 
                        Gìn tinh, giữ khí, dưỡng thần
                Ít lo, bớt muốn, lao thân thường thường
                        Ăn vừa, đừng lắm cao lương
                Rượu ngon nhỏ nhẻ, liệt giường chớ nên
                        Miệng vui câu nói ngọt mềm
                Tâm hồn thơ thới bỏ quên giận hờn
                        Dẹp lòng dối trá thiệt hơn
                Trăm năm thong thả mong ơn tuổi trời.
 

Bản dịch của NGUYỄN MINH THANH


Thơ dưỡng sinh
 
                        Gìn tinh, hóa khí, nuôi thần,
                 Bớt lo, ít muốn; não, thân khỏe thường
                        Giản đơn chẳng dụng cao lương
                 Lúa mùa gạo lứt; món vườn thiên nhiên
                        Rượu ly nhấp nháp chớ ghiền
                 Miệng cười vui nhộn làm duyên ngữ lời.
                        Tâm luôn nghĩ tốt vì người,
                 Giận hờn giả dối chớ mời nơi ta
                        Sánh so cũng chẳng giữ mà
                 Trăm năm tự tại ấy là tiêu dao.
 

Bản dịch của LƯ KIẾN SƠN (Châu Phú, An Giang)

     Trân trọng kính mời quý vị thi hữu và bạn đọc gần xa tiếp tục cùng dịch thơ tác phẩm này của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bản dịch thơ xin quý vị vui lòng gửi vào địa chỉ e-mail: truongsinhhocds.com – Xin chân thành cám ơn!
 

Tác giả bài viết: CÂU LẠC BỘ TRƯỜNG SINH HỌC DƯỠNG SINH

Chú ý: Quý vị đăng lại bài viết ở Website hoặc phương tiện truyền thông khác xin vui lòng  ghi rõ nguồn http://truongsinhhocds.com -Cám ơn!

Tổng số điểm của bài viết là: 127 trong 29 đánh giá

Xếp hạng: 4.4 - 29 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây