Cỏ cây và Thiền…

Thứ tư - 03/04/2013 05:46

Cỏ cây và Thiền…

Nhìn loài cỏ mọc lên với sức sống mãnh liệt mới thấy đức hạnh bất sinh bất diệt của tự nhiên. Vũ trụ bắt đầu từ đâu? Con người bắt đầu từ đâu? Hai câu hỏi ấy đã làm đau đầu con người suốt bao nhiêu thế kỷ. Câu trả lời có thể là “nguồn gốc các loài của Darwin, hay vụ nổ Bigbang theo tính toán của thuyết tương đối…” Rốt cuộc, câu hỏi vẫn nằm đó khi rất nhiều câu trả lời bị nghi ngờ hay đã bị lãng quên.

          Nhìn loài cỏ mọc lên với sức sống mãnh liệt mới thấy đức hạnh bất sinh bất diệt của tự nhiên. Vũ trụ bắt đầu từ đâu? Con người bắt đầu từ đâu? Hai câu hỏi ấy đã làm đau đầu con người suốt bao nhiêu thế kỷ. Câu trả lời có thể là “nguồn gốc các loài của Darwin, hay vụ nổ Bigbang theo tính toán của thuyết tương đối…” Rốt cuộc, câu hỏi vẫn nằm đó khi rất nhiều câu trả lời bị nghi ngờ hay đã bị lãng quên.


 
          Một lần về miền quê, tôi thấy những đàn trâu thung thăng gặm cỏ bên  cánh đồng, nếu dừng lại để cảm nhận ta sẽ thấy cách chúng gặm cỏ rất qua loa và thong thả. Chúng không bao giờ ăn “sạch sẽ” tất cả những đám cỏ có quanh chúng, mà bao giờ cũng chừa lại những ngọn cỏ mới mọc. Cứ ngoạm khoảng ba bốn lần là chúng lại nhai, trong khi nhai thì chúng lại bước tiếp. Tôi băn khoăn tự hỏi, phải chăng đó là một cách “để dành vô thức” của chúng. Và, phải chăng câu tục ngữ “trời sinh voi sinh cỏ” xuất phát ngay từ cơ chế của tự nhiên. Bất giác tôi nhận ra rằng: trong khi con người và muông thú phải chạy đôn chạy đáo, chạy Đông chạy Tây để tồn tại và phát triển thì thực vật vẫn đứng một nơi rồi sinh sôi nảy nở. Trước khi bị chặt, đốn hay bị động vật làm thức ăn thì chúng vẫn mênh mang cùng gió, cùng mưa. Dường như cỏ cây không biết sợ hãi, có người bảo “thực vật là vô tri nên biết sợ là gì!”. Nhưng tôi thì không nghĩ như vậy, tôi nghĩ chúng “vô úy”, nghĩa là đạt được một trạng thái của tự nhiên. Ngọn lấy dương khí vươn lên trời, rễ lấy âm khí đâm vào đất tạo nên một trạng thái sinh sôi đầy khoa học và thật tuyệt vời.
          Đứng từ cảm nhận của tôi, quả thực cỏ cây không sợ hãi bị đốn thành củi, bị cưa thành gỗ hay xẻ thành ván, nó cũng không sợ bị ngắt làm rau, mặc nhiên đứng cho trâu bò gặm lá... Đức của cỏ cây cũng như đức của vũ trụ được biểu hiện trong: không khí, đất đá, nguồn nước, ánh sáng. Lão Tử nói rất hay rằng: “Sở dĩ đất còn mãi, trời còn mãi là vì nó không sống cho nó mà sống cho muôn loài khác”. Điều này lại khiến tôi liên hệ đến đức vị tha, bác ái của nhà Phật, nghĩ đến “thương người hơn bản thân mình” trong lời căn dặn của các minh sư của phái Đasira Narada khi phụ bệnh cho mọi người. Quả thực, từ bao đời, thiên nhiên đối với ta thật hào phóng, và Tổ sư cũng đã hào phóng trao cho ta chiếc chìa khóa luân xa để cứu giúp con người trong bệnh khổ. Đó không còn là quán tưởng, mà đó là hiện thực có thể cảm nhận từ các giác quan. Đức của thực vật cũng như nước, như không khí, ta cứ dùng, cứ dùng mãi mà không phải lo việc trả nợ. Nhưng thực ra, thiên nhiên có cách trả vay vô cùng tinh tế và vi diệu, có những hiện tượng có thể nhìn bằng mắt thường, nhưng cũng có hiện tượng phải nhìn bằng con mắt vô hình, vô tướng. Cho hay, thiên nhiên đã dàn xếp và tự trang trải “nhân quả” theo cách của riêng mình.
          Thế nên mỗi lần ngồi thiền, tôi luôn cảm nhận tưởng mình như một thân cây nhỏ, trong những đợt sóng nhẹ thổi từ các luân xa, có những cảm giác nóng lạnh, có cảm giác như những hạt nước lăn trên thân thể, lòng trào dâng hạnh phúc. Còn nhớ cách đây hơn một năm, ngày tôi đi học thiền, đó là một ngày trời mưa tầm tã. Tôi linh cảm thấy đó là một tin lành, dường như nhân duyên cũ được gặp lại ánh sáng của thiền, cảm giác như đã 50 năm mới gặp lại một người bạn cũ (trong khi tôi mới 24 tuổi). Khi giờ học bắt đầu, cũng là lúc trời quang mây tạnh. Chưa bao giờ giông bão lại khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhõm như vậy.
          Thế là đã bao nhiêu thế kỷ trôi qua, người ta đã hỏi về nguồn gốc của loài người, của vũ trụ. Đó không khác câu hỏi về nguồn gốc của không khí, hay mộc mạc hơn là nguồn gốc của cỏ dại... Tự nhiên vận động ngoài sự nhận thức của con người, chỉ khi nào ta thấy mình là một tế bào của vũ trụ mới hiểu nổi cái uyên áo cao siêu chính là cái giản dị vô cùng. Chân lý không nằm ở đâu xa mà rất gần gũi, ta có thể nhìn ra ngay được trong cuộc sống này nếu như… nếu như ta biết yêu thương đối với cả cỏ cây. Trong trạng thái thiền, ta vừa thu dương khí vừa thu âm khí (mở âm dương) điều đó thể hiện ở việc các minh sư khuyên ngồi trên nền đất. Nhà cô Hồ Thị Thu (và bao nhiêu tụ điểm thiền khác nữa) thì dùng cả đá thạch anh làm nền để hấp thụ năng lượng vũ trụ. Bài học từ cỏ cây là một lát cắt nhỏ trong vũ trụ vô cùng tận, đó chính là âm dương giao hòa, tương tức thì vạn vật sinh sôi.
          Tôi còn nhớ minh sư có nhắc nhở, điều cốt yếu của thiền năng lượng không chỉ là để sống lâu và trị bệnh về thể xác mà nó chỉ như một phương tiện giúp con người rèn luyện về tâm. Thân thể không còn mãi nhưng tâm hồn, tình thương thì vĩnh viễn trường tồn, học thiền không chỉ là học cách làm người khỏe mạnh mà còn biết cách sống có ý nghĩa và chan hòa với thiên nhiên. Nhưng biểu hiện của ngày và đêm; nắng và mưa, nước và lửa hay cỏ cây đều giúp ta tồn tại… chẳng qua là ta chưa biết cách nói chuyện với cỏ cây cũng như tương linh với vũ trụ mà thôi.
          Bài học của thiền cũng giống như đức hạnh của cỏ cây, ta lìa bỏ được năng lượng từ động vật nhưng không lìa bỏ được năng lượng từ thực vật, cũng giống như chưa xa rời với tự tính vốn có mà tự nhiên đã làm ra ta và làm ra thế giới này. Nói đến đây, có lẽ ta nên trở về với tiêu đề của bài viết “cỏ cây và thiền”. Từ khi được các minh sư mở luân xa, cộng thêm với niềm tin vào cái cao siêu đã giúp chúng ta cảm nhận được sự thú vị của cuộc sống này, sống như cây cỏ trong tự nhiên và sống như một tế bào trong xã hội.
 

Một buổi tập thiền Trường Sinh học Dưỡng sinh cấp 1+2
tại trường THCS Thanh Xuân Nam, Hà Nội, tháng 3 năm 2013
 
          Các minh sư cũng đã nhắc nhở ta rằng: luân xa của thân được mở thì cũng là lúc tự mở luôn luân xa của tâm. Bài học của Trường Sinh học không phải là bài học của Đạo giáo đi tìm thuốc trường sinh bất từ mà đó là bài học của tình thương yêu, lòng vị tha bác ái. Cũng giống như tuyệt học của Tổ sư, tung tích và thánh thể của Ngài không ai còn nhìn thấy và bảo lưu, nhưng chiếc “chìa khóa” cứu đời của ngài là bất tử. Cầu nguyện cho các minh sư không ngừng tiến hóa trên con đường tu luyện thiền định để có thể truyền đạt những tuyệt học của mình trong thế hệ tương lai. Tôi xin dừng lại bằng bốn câu tôn chỉ của Nho học mang tinh thần của thánh nhân để kết thúc bài viết như một lời tri ân và như một nghĩa vụ:
                    “Vị thiên địa lập tâm,
                    Vị sinh dân lập mệnh,
                    Vị vãng thánh kế tuyệt học,
                    Vị thiên hạ khai thái bình”.

          Thái bình, an lạc hạnh phúc là nguyện vọng đời đời của con người mà các bậc thánh nhân đã làm và đang làm và sẽ làm.
 

Tác giả bài viết: Môn sinh NGUYỄN CÔNG CẢNH (Cao học Ngữ văn Hà Nội. ĐT: 0986615658. E-mail: chinhca0910@gmail.com)

Chú ý: Quý vị đăng lại bài viết ở Website hoặc phương tiện truyền thông khác xin vui lòng  ghi rõ nguồn http://truongsinhhocds.com -Cám ơn!

Tổng số điểm của bài viết là: 210 trong 49 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 49 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Nguyễn Xuân Điều

    Bạn Công Cảnh thân mến! Bài viết của bạn xuất phát từ sự nhận biết của riêng mình. "Thiền" thật sự không "mông lung" như bạn hiểu. Hãy quay vào "bên trong".

     Nguyễn Xuân Điều  nxdtsh2008@gmail.com  06/05/2013 11:32
  • Chỉnh Ca

    Cỏ cây và Thiền là bài học vươn đến trạng thái định và vô úy, "trăm sông vẫn về biển, trăng lặn không lìa trời", sống an nhiên như cỏ cây cũng chính là giác ngộ vậy? hà tất tìm cầu ở những lý thuyết cao siêu hơn...

     Chỉnh Ca  chinhca0910@gmail.com  03/04/2013 20:30
  • Hàn Nhuệ Cương

    CỎ CÂY GIÁC NGỘ
    Vào thời đại Liêm Thương, ngài Shinkan theo học với tông Thiên Thai (Nhật) trong 6 năm rồi theo học thiền trong 7 năm. Sau đó, ngài đến Trung Hoa để thực hành thiền định thêm 13 năm nữa. Khi ngài trở về Nhật, rất nhiều người muốn đến tham vấn và đặt ra với ngài những câu hỏi mơ hồ. Nhưng không mấy khi ngài tiếp khách, và nếu có thì ngài cũng hiếm khi trả lời những câu hỏi của họ.
    Ngày nọ, có một thiền tăng 50 tuổi đạo đang tìm cầu giác ngộ đến thưa với ngài: “Tôi đã nghiên cứu tư tưởng của tông Thiên Thai từ nhỏ, nhưng có một điều trong đó tôi không sao hiểu được. Tông Thiên Thai nói rằng ngay cả cỏ cây rồi cũng sẽ được giác ngộ. Với tôi, điều này dường như quá kỳ lạ!”
    Ngài Shinkan liền hỏi: “Bàn luận về việc cỏ cây giác ngộ như thế nào thì có ích gì? Vấn đề là làm sao để chính bản thân ông được giác ngộ. Đã bao giờ ông suy xét điều đó chưa?”
    Vị lão tăng ngẩn người: “Tôi chưa bao giờ suy nghĩ theo cách đó!”
    Ngài Shinkan kết luận: “Vậy hãy trở về và suy nghĩ kỹ đi!”
    LỜI BÀN:
    Vào thời đức Phật còn tại thế, chính ngài cũng luôn từ chối những câu hỏi mơ hồ, không thiết thực. Không ít người đã đến đặt ra những vấn đề như vũ trụ vô hạn hay hữu hạn... Câu trả lời chung của ngài cho tất cả những vấn đề này là hãy quay về nghiền ngẫm những gì thực sự có liên quan đến giải thoát, đến sự giác ngộ, đừng chạy theo những tri thức vô bổ. Năm mươi năm ấp ủ trong lòng một thắc mắc về sự giác ngộ của cỏ cây, nhưng lại chưa từng suy xét về sự giác ngộ của chính bản thân mình. Liệu mỗi chúng ta có đang rơi vào một trường hợp khôi hài tương tự như thế hay chăng?

     Hàn Nhuệ Cương  nhuecuong@gmail.com  03/04/2013 19:49
  • Nguyễn Anh Tuấn

    Việc giúp đỡ mọi người của các môn sinh Trường Sinh học trên tinh thần tự nguyện, không cầu danh, cầu lợi hoặc đòi hỏi được thưởng cho chính mình. Những việc làm từ thiện tự nguyện ấy sẽ giúp nâng cao tinh thần vị tha cho môn sinh. Hành động tự nguyện “ban phát niềm vui và cứu giúp hoạn nạn” sẽ truyền bá một triết lý sống về tình thương thật sự, không mong cầu sự đền đáp, là nền tảng cho quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giúp đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

     Nguyễn Anh Tuấn  tuanphuongtamthanh@gmail.com  03/04/2013 08:35
. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây