Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất

Thứ tư - 13/05/2015 05:44

Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất

Trong một lần tranh luận với người đồng môn, ông buột mồm chửi bậy và thế là bị người ta ném đá đến bươu đầu sứt trán. Từ đó ông dặn con cháu rằng sau cái câu “Bệnh tòng khẩu nhập” phải thêm câu “Họa tòng khẩu xuất” với ý răn trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần, chứ nói năng lung tung có ngày ắt mang họa.


 
          - “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất… Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất...”
          - Cái gì mà lảm nhảm vậy ông?
          - À, cái này là thói quen của nhà tui, truyền từ thời ông tổ, ông sơ đến tận bây giờ. Ông tổ nhà tui là một lương y. Ông dặn con cháu rằng bệnh của con người phần lớn là do những thứ đưa từ miệng vào. Ý là ông dặn con cháu ăn uống phải cẩn trọng, không phải thứ gì người ta đút cho cũng ăn. Vì thế ông dặn con cháu rằng sáng sớm trước khi ra khỏi nhà phải niệm đủ chục lần câu “Bệnh tòng khẩu nhập”.
          - Vậy còn “Họa tòng khẩu xuất”?
          - Ừm, đến thời ông sơ nhà tui không còn làm nghề chữa bệnh nữa mà chuyển sang làm quan. Trong một lần tranh luận với người đồng môn, ông buột mồm chửi bậy và thế là bị người ta ném đá đến bươu đầu sứt trán. Từ đó ông dặn con cháu rằng sau cái câu “Bệnh tòng khẩu nhập” phải thêm câu “Họa tòng khẩu xuất” với ý răn trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần, chứ nói năng lung tung có ngày ắt mang họa. Từ đó dòng họ nhà tui mỗi sáng trước khi ra khỏi nhà phải tụng hai câu này đúng mười lần.
          - Ái chà, nghe cũng thú vị đấy chứ nhỉ. Tui xin chép câu chuyện của ông gửi lên mục Chuyện thường ngày cho mọi người cùng học, chứ bây giờ nhiều người ăn bậy, nói bậy quá.
 

Tác giả bài viết: BÚT BI

Nguồn tin: www.tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 136 trong 32 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 32 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Cổ ngữ có câu: “Bệnh tòng khẩu nhập hoạ tòng khẩu xuất”. Bởi thế cái miệng quan hệ đến vận mạng nhân sinh nhiều lắm. Sách lại nói: “Ngôn vi tâm thanh”, lời nói là tiếng của con tim. Một lời có thể dựng nước, có thể làm mất nước, tạo họa tác phúc. Vì chính trực quá nên nói lanh chanh, có người nói quá sự thật, có người đắc chí nên nói bậy, nói láo, có người chuyên đi nói xấu. Tất cả là con đường chiêu họa.
    Có người suốt đời hưởng bổng lộc triều đình, có người sống nhờ tiền cha của mẹ, có người quanh năm ngày tháng tràn trề miếng ngon thức béo, có người cả đời chẳng có lấy bữa no, có người bao nhiêu tiền ăn hết bấy nhiêu, có người bóp mồm bóp miệng. Tất cả đều do tướng miệng mà ra.
    Miệng người ta là cửa ngõ của tâm sự. Kẻ sắp làm phản lời nói thẹn thùng. Kẻ lòng nghi hoặc lời nói không gọn ghẽ. Kẻ tốt bụng ít nói. Kẻ hấp tấp nói nhiều. Kẻ thất tiết hay nói liều. Kẻ sắp vu khống thường nói ngọt ngào.

  • Kim Thanh Tâm

    “Bệnh từ ở miệng mà vào/ Họa từ ở miệng ào ào tuôn ra…” – Đó là lời dịch dân dã câu nói Hán Việt mà ông cha thường nói: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”. Ý nghĩa ở đây ai cũng hiểu: Bệnh tật của con người ta phần nhiều là do ăn uống (vào miệng). Và, không ít người gặp họa bởi lời ăn tiếng nói (từ miệng ra).
    Trong những năm gần đây, nhiều bệnh tật của con người được phát hiện, đặc biệt là những bệnh có biểu hiện dị tật, đột biến gen như tỷ lệ ung thư tăng, các loại u, bướu kỳ dị xuất hiện. Điều này một mặt chứng tỏ khoa học hiện đại phát triển, có thể phát hiện ra những bệnh tật mà trước đây chưa thấy. Nhưng mặt khác, phải chăng đó cũng là hiện tượng đáng báo động của việc sử dụng các nguồn thực phẩm thiếu an toàn?
    Bệnh thường do ăn uống mà ra, ăn cho sướng miệng thì chỉ làm khổ cái thân, những thức ăn càng ngon (thường nhiều thịt cá, thực phẩm công nghiệp nhiều hóa chất làm tăng hương vị) đều có khuynh hướng toan (acid) hóa máu, là môi trường thuận lợi cho bệnh tật phát sinh, chưa kể do thức ăn ngon nên ăn nhiều, ăn một cách thái quá, dẫn đến béo phì. Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh tật tung hoành.
    Bệnh vào người theo đường ăn uống, chuyện này đã quá rõ. Nhưng còn “họa”? Câu trả lời dành cho mỗi người chúng ta!

     Kim Thanh Tâm  kimthanhtam.vt@gmail.com  27/06/2013 08:43
  • Châu Chí Linh

    Cổ đức có câu: "Thiện ác lưỡng điều đạo, tu đích tu, tạo đích tạo" (thiện ác hai con đường, đường tu và đường tạo). Ðiều này nói ra hoàn toàn xác đáng. Có điều chúng ta si mê, không biết lãnh giáo những điều ngay, cứ việc ta ta làm, chỉ biết lợi cho mình mà không nghĩ lợi cho người khác.
    Chúng ta nhất cử nhất động, một lời nói một công việc làm, lúc nào cũng phải thận trọng, từng giờ từng khắc lưu tâm, đâu đâu cũng phải chú ý, trong ngoài như một. Phải làm sao cho trong ngoài như một, không chạy theo vọng tưởng. Chúng ta là những con người Trường Sinh học, nói chung phải giữ miệng, đề phòng chuyện thị phi. Câu "Họa tòng khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập" rất chí lý. Nghĩa là họa do bởi lời từ miệng thốt ra, bệnh cũng do từ miệng mang vào. Chúng ta không nên bạ đâu nói đấy, cố tránh chuyện phiền phức, giữ miệng cho kín là tốt hơn cả. Lại có câu: "Thị phi chỉ vì hay mở miệng, phiền não đều do cưỡng xuất đầu". Ðộc tọa phòng tâm, nghĩa là khi ngồi một mình chúng ta phải cẩn thận đề phòng tâm ý, chớ theo vọng tưởng.
    Vọng tưởng thì ai ai cũng có, nhưng khi đã khởi vọng tưởng thì ta phải vận dụng các phương cách để khống chế, không cho vọng tưởng làm mưa làm gió. Một trong những phương cách đó là ngồi thiền, sám hối,… kiếm một việc gì khác để làm, sao cho tinh thần tập trung lại thì sẽ không có vọng tưởng.

     Châu Chí Linh  tranchauchilinh@gmail.com  27/06/2013 08:26
  • Nguyễn Minh Huệ

    Ăn uống với sức khỏe và tuổi thọ là đề tài rất xưa, song sự việc lại luôn luôn là vấn đề thời sự. Ăn uống là cơ sở vật chất hàng đầu của sự sinh tồn và cải tạo thể chất con người, đồng thời cũng là tiền đề của sự phát triển xã hội, của văn hóa và văn minh nhân loại. Ngược lại ăn uống thiếu thốn hoặc quá dư thừa cũng như ăn uống một cách xô bồ thì hậu quả sẽ khôn lường, chả thế mà người ta đã tổng kết “bệnh tòng khẩu nhập”.
    Người xưa ăn uống rất cẩn thận, họ cho ăn uống là văn hóa – văn hóa ẩm thực – ăn uống, chữa bệnh dinh dưỡng có cùng nguồn gốc (Y thực đồng nguyên) và cơ sở lý luận cũng như tư tưởng chỉ đạo là học thuyết âm dương, ngũ hành, tạng tượng, nguyên nhân gây bệnh và tính vị của dược vật.

     Nguyễn Minh Huệ  minhhueyenbai62@gmail.com  27/06/2013 08:25
. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây