Hào quang quanh cơ thể

Thứ tư - 19/09/2018 05:10

Hào quang quanh cơ thể

Từ ngàn xưa, hào quang quanh cơ thể sinh vật đã được xem là bằng chứng của loại “sinh khí” đặc biệt đặc trưng cho sự sống. Tuy nhiên, chỉ đến khi khoa học hiện đại phát minh ra điện, loại hào quang đó mới được ghi nhận một cách rõ ràng.
Mặc dù hào quang hiện đại thường gắn tới tên tuổi của kỹ sư Semyon Kirlian vào năm 1939, các hình ảnh tương tự xuất hiện sớm hơn rất nhiều. Năm 1777, Lichtenberg ghi nhận hình ảnh giống một ngôi sao sáng xuất hiện trong lớp bụi trên một cái bánh bằng nhựa khi một điện thế cao được đưa vào từ đầu mũi kim. Cuối thế kỷ XIX, người ta chụp được bức ảnh Nicola Tesla nằm trong một vầng hào quang rực rỡ, khi ông đang tiến hành một thí nghiệm điện.

           Các hình ảnh đầu tiên
          Mặc dù hào quang hiện đại thường gắn tới tên tuổi của kỹ sư Semyon Kirlian vào năm 1939, các hình ảnh tương tự xuất hiện sớm hơn rất nhiều. Năm 1777, Lichtenberg ghi nhận hình ảnh giống một ngôi sao sáng xuất hiện trong lớp bụi trên một cái bánh bằng nhựa khi một điện thế cao được đưa vào từ đầu mũi kim. Cuối thế kỷ XIX, người ta chụp được bức ảnh Nicola Tesla nằm trong một vầng hào quang rực rỡ, khi ông đang tiến hành một thí nghiệm điện.

 
Hào quang quanh cơ thể người

          Đầu thế kỷ XX, bác sĩ Wal-ter Kilner tại Bệnh viện St Thomas, London, phát hiện hào quang quanh cơ thể bệnh nhân khi nhìn qua một tấm kính phủ chất màu thích hợp. Ông nhận thấy mệt mỏi, bệnh tật hoặc trầm cảm làm thay đổi quầng sáng và đã chế tạo một thiết bị chẩn đoán dựa trên sự thay đổi đó.
          Năm 1921, Du Bourgde Bozas, nhà nghiên cứu người Pháp, chứng tỏ bàn tay một số người có thể phát ra “một dòng chất lưu” thấm sâu 5cm trong một lớp lá cây.
          Khám phá của Kirlian
          Năm 1939, kỹ sư Liên Xô Semyon Kirlian tình cờ phát hiện vầng sáng quanh cơ thể khi bệnh nhân được điều trị bằng dòng dArsoval cao tần. Ông băn khoăn hình ảnh có ghi được trên giấy ảnh hay không. Khi sửa chữa một thiết bị xét nghiệm trong bệnh viện, ông thay cặp điện cực thủy tinh bằng điện cực kim loại và nhìn thấy vầng hào quang quanh bàn tay mình.
          Trong suốt 20 năm sau đó, cùng người vợ Valentina, ông tiến hành nghiên cứu ảnh Kirlian, như sau này được đặt tên chính thức để ghi công ông, trong phòng thí nghiệm tự tạo tại căn hộ gia đình ở Ukraina. Hai vợ chồng cặm cụi thiết kế thiết bị tạo ảnh gồm một cuộn cảm Tesla cao thế gắn với một tấm kim loại, được cách điện bằng thủy tinh. Giấy ảnh được đặt trên lớp thủy tinh, còn vật cần ghi gắn kèm giấy ảnh. Kết quả thu được là vầng hào quang rực rỡ bao quanh vật khảo sát.
          Ứng dụng trong y khoa và nông nghiệp
          Kirlian tin rằng, ảnh hào quang của ông có thể dùng để chẩn đoán bệnh. Khi so sánh với vợ, ông thấy ảnh bàn tay mình mờ hơn; ngay sau đó ông bị cúm.
          Tiến sĩ Victor Inyushin tại Đai học Kazakh, Nga, giả định vầng hào quang là trường năng lượng plasma của các ion, là proton và điện tử tự do, phát ra từ cơ thể sống. Theo ông, hào quang được duy trì xung quanh cơ thể khỏe mạnh do các ion dương và âm phát ra từ tế bào cân bằng nhau. Khi tế bào tổn thương hoặc bị bệnh, sự mất cân bằng xuất hiện và ảnh Kirlian phản ảnh được điều đó.
          Dựa trên lý thuyết này, các bác sĩ dùng ảnh Kirlian để chẩn đoán một số bệnh. Leonard Konikiewicz tại Trung tâm Y khoa, Harrisburg Pennsylvania, Mỹ, dùng ảnh để kiểm tra bệnh nhân xơ nang tụy, với dấu hiệu đặc trưng là hào quang mờ quanh các ngón tay. Malcom Carruthers thuộc Bệnh viện Maudsley, London, Anh, thấy người dễ mắc bệnh tim có ảnh Kirlian lòng bàn tay mang nhiều sắc xanh. Sau khi dùng thuốc, ảnh sáng hẳn lên.
         
Vầng hào quang quanh cơ thể người (hay cơ thể năng lượng)

          Trong y học cổ truyền, các nhà châm cứu và phản xạ học cũng dùng ảnh Kirlian để chẩn đoán và điều trị. Giới châm cứu so sánh kích thước và độ sáng của các huyệt để chẩn đoán; còn trong phản xạ học, hào quang mờ quanh bàn chân là dấu hiệu của bệnh và sau mát-xa nó sáng hơn trước.
          Kirlian cũng thử nghiệm ảnh trên cây trồng và thấy lá cây khỏe có hào quang rõ rệt, còn lá bị bệnh cho ảnh đứt quãng. Nghiên cứu của ông được dùng để tăng năng suất cây trồng tại Nga. Ông thấy loại hạt giống cho cây trồng khỏe mạnh sẽ phát hào quang mạnh hơn hạt chất lượng kém. Tại Mỹ, ảnh Kirlian cũng được dùng để đánh giá chất lượng hạt đậu nành. Tiến sĩ Thelma Moss, phụ trách phòng thí nghiệm Ngoại tâm lý tại Đại học California, Los Angeles, có khả năng tiên đoán sự nảy mầm của hạt đậu nành. Tất cả các loại đồ ăn có tính chất chữa bệnh đều cho ảnh Kirlian rực rỡ hơn loại không có tính chất đó.
           Các luận giải tâm linh
          Trong lĩnh vực dị thường học, ảnh Kirlian được xem là sự phản ánh của cơ thể hào quang hoặc loại sinh khí đặc trưng cho sự sống và ẩn giấu một số quá trình tâm linh nào đó. Hình ảnh hào quang được xem là một loại trường plasma sinh học, tồn tại đồng thời và thấm sâu vào cơ thể vật chất của mọi vật thể sống. Khi cơ thể hào quang xuất chiếu khỏi cơ thể vật chất, nó tạo thành vầng sáng nhiều màu. Màu sắc và cường độ vầng hào quang được cho là sự phản ánh chính xác các đặc trưng vật chất, tinh thần và tâm linh của con người.
          Một số người cho rằng, ảnh Kirlian thể hiện khả năng tâm linh của một nhà ngoại cảm; hào quang càng sáng thì khả năng càng cao. Cũng có tuyên bố ảnh Kirlian chỉ rõ sự truyền năng lượng từ nhà trị liệu tâm linh tới người được điều trị; và sau điều trị, hào quanh quanh nhà trị liệu mờ đi, còn hào quang quanh bệnh nhân mạnh lên. Nhà trị liệu tâm linh người Anh Matthew Manning được cho là có khả năng phóng luồng hào quang dài từ lòng bàn tay, nên có khả năng chữa bệnh huyền diệu.
           Nghi ngờ và phản đối
          Nhiều nhà khoa học không tin khả năng chẩn bệnh của ảnh Kirlian, vì độ phân giải kém. Arthur Ellison, nguyên Chủ tịch Hội Nghiên cứu tâm linh Anh cho rằng, ảnh Kirlian là kết quả của sự phóng điện, nên sự khác nhau giữa người khỏe mạnh và bệnh nhân có thể do điều kiện thí nghiệm kém, bụi bẩn và độ ẩm da.
          Các nhà vật lý và tâm lý thuộc ĐH Drexel phát hiện ra rằng, các kích thích gây cảm xúc mạnh, như thường thấy trong điều trị bệnh hoặc trong các thử nghiệm tâm linh, ảnh hưởng mạnh tới chất lượng ảnh, chủ yếu do tăng tiết mồ hôi bàn tay và ngón tay. Họ cũng thấy sự biến thiên độ ẩm da làm thay đổi màu sắc và cường độ ảnh Kirlian rất rõ rệt.
           Hội Ung thư Mỹ tuyên bố hầu như không có chứng cớ cho thấy ảnh Kirlian có thể chẩn đoán ung thư. Họ thấy quá trình chẩn đoán tuy vô hại nhưng không thể cho kết quả chính xác. Đó cũng là tình trạng của phương pháp Kirlian trong nông nghiệp.
          Trong lĩnh vực ngoại cảm và tâm linh, phát súng ân huệ đối với sự tin tưởng ảnh Kirlian là một sự thật hiển nhiên: Không chỉ cơ thể sống, mà cả vật vô sinh cũng phát hào quang khi được đặt trong một điện trường cao tần. Nói cách khác, vầng hào quang chói lọi và huyền ảo không phải là một đặc trưng riêng biệt của sự sống và tâm trí, mà là một tính chất phổ quát của mọi loại vật chất, kể cả vô sinh và hữu sinh.

Tác giả bài viết: TS. ĐỖ KIÊN CƯỜNG

Nguồn tin: Năng lượng Mới, số 121.

Tổng số điểm của bài viết là: 148 trong 35 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 35 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây