Hạn chế tái phát ung thư sau phẫu-hóa-xạ trị

Thứ sáu - 14/10/2022 05:10

Hạn chế tái phát ung thư sau phẫu-hóa-xạ trị

Bệnh nhân ung thư sau khi điều trị bằng phẫu-hóa-xạ trị vẫn có thể bị tái phát do nguyên nhân của ung thư khó bị loại trừ hoàn toàn, đồng thời khả năng đề kháng (cơ chế miễn dịch) còn suy kém, cần phải cải thiện cơ chế miễn dịch để chính cơ thể chống tái phát. Y học cổ truyền quan niệm cơ chế miễn dịch bị suy kém là từ “nội nhân” (nguyên nhân bên trong): các rối loạn tình chí, tâm lý thái quá như “lo, buồn, giận, sợ” có nguyên nhân từ stress và chính stress gây suy yếu cơ chế miễn dịch.
         Y học cổ truyền nâng sức miễn dịch bằng 4 phương pháp: 1/- Thanh tâm quả dục: Giữ tinh thần, nội tâm bình an, hạn chế tham muốn; 2/- Chế độ ăn uống: Quân bình Âm – Dương; 3/- Luyện hình: Tập luyện dưỡng sinh; 4/- Đông dược: Bồi bổ hệ miễn dịch.
          I/- Đặt vấn đề:
          Trong cơ thể, bình thường luôn có sẵn mầm ung thư (gen sinh ung) nhưng gen này bị ức chế hoạt động bởi gen đè nén bướu, là một cơ chế phòng bệnh chống ung thư (cơ chế miễn dịch). Nếu cơ chế miễn dịch này suy yếu, gen sinh ung sẽ phát triển thành khối ung thư. Nếu vì lý do gì sức đề kháng của cơ thể ngày càng suy yếu, khối u sẽ phát triển dần và lan xa đi khắp nơi (ung thư di căn), lúc này lực lượng phòng vệ trong cơ thể (cơ chế miễn dịch) hoàn toàn bó tay, chỉ còn cách nhờ đến lực lượng bên ngoài (ngoại lực) vào hỗ trợ. Điều trị ung thư chính là một cuộc chiến tranh giữa địch (ung thư) và ta (hệ miễn dịch), ta có sự hỗ trợ của những phương tiện hiện đại, sức công phá lớn như phẫu-hóa-xạ trị (ngoại lực). Nhờ vậy, tiêu diệt được khối ung thư, nhưng đồng thời tế bào lành của cơ thể bệnh nhân cũng bị tàn phá nhiều do những phương tiện hiện đại kể trên, trong đó có tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống lại tế bào ung thư và vi khuẩn. Vì cơ thể ngày càng suy sụp, sau khi lực lượng từ bên ngoài – ngoại lực (phẫu-hóa-xạ trị) – đã ngưng sử dụng thì tế bào ung thư còn lại có thể sẽ phát triển trở lại (ung thư tái phát và di căn). Do đó, để ngừa tái phát, cần phải củng cố lực lượng phòng vệ của cơ thể – nội lực (hệ miễn dịch) – để chính lực lượng này tiêu diệt hoặc ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển. Y học cổ truyền có khả năng giúp cơ thể phục hồi khả năng miễn dịch để ngừa tái phát sau khi đã điều trị tấn công bệnh ung thư bằng y học hiện đại (phẫu-hóa-xạ trị).


Tế bào ung thư phóng to.
 
          Như vậy điều trị ung thư sẽ tiến hành thành hai giai đoạn:
          Giai đoạn 1: Tiêu diệt được khối u bằng y học hiện đại (phẫu hóa xạ trị).
          Giai đoạn 2: Giải quyết các tác dụng phụ do phẫu-hóa-xạ trị, cải thiện chất lượng sống và củng cố cơ chế miễn dịch (nội lực) để ngừa tái phát bằng y học cổ truyền.
          II/- Quan điểm Y học cổ truyền về bệnh ung thư
          Theo Y học cổ truyền thì nguyên nhân bệnh ung thư gồm hai loại:
          - Ngoại nhân (nguyên nhân bên ngoài): “Lục dâm” là các yếu tố gây bệnh (thời tiết, vi trùng, virus, hóa chất, phóng xạ…), ăn uống nhiễm độc chất.
          - Nội nhân (nguyên nhân bên trong): Do “thất tình” là các rối loạn tình chí, cảm xúc, tâm lý, chủ yếu là lo, buồn, giận, sợ thái quá, kéo dài liên tục, lại phải đè nén làm chính khí suy, sức khỏe suy kém, suy giảm hệ miễn dịch.
          Nội nhân là chính, vì chỉ khi hệ miễn dịch suy kém thì các yếu tố gây bênh (ngoại nhân) mới có thể xâm nhập tấn công cơ thể và gây bệnh.
          So sánh với quan điểm y học hiện đại, chính tình trạng stress liên tục (do các stressors) làm tinh thần bất an, căng thẳng, luôn luôn lo, buồn, giận, sợ làm gia tăng bài tiết Cathecholamine, Glucocorticoid (Cortisol) làm suy giảm miễn dịch, chính tình trạng suy giảm miễn dịch là điều kiện làm phát triển bệnh tật trong đó có ung thư.
          Như vậy, để ngừa tái phát có 2 cách:
          1/- Ngăn chặn các ngoại nhân: Rất khó (không thể nín thở để khỏi hít khí ô nhiễm, khói thuốc lá, không thể nhịn ăn để khỏi nhiễm độc chất từ thức ăn…).
          2/- Duy trì khả năng phòng vệ cơ thể (hệ miễn dịch) là cơ bản nhất, cơ chế miễn dịch tốt sẽ chống trả thành công các yếu tố gây bệnh.
YHCT tác động chống suy giảm miễn dịch bằng cách:
          1. Duy trì chất lượng cuộc sống tinh thần: bình an, thanh thản (chống-giảm stress).
          2. Chế độ ăn uống: Quân bình Âm Dương.
          3. Rèn luyện thân thể: Thư giãn, tự xoa bóp, tập thái cực quyền, thiền.
          4. Đông dược.
          III/- Phương pháp
          A. Nguyên tắc:
          1.
Theo “Hoàng đế nội kinh” (y văn đông y đã có từ 4000 năm): “Điềm đạm hư vô/ Chân khí tùng chi/ Tinh thần nội thủ/ Bệnh an tùng lai”. Nghĩa là: Giữ cho điềm đạm, chân khí lưu thông, tinh thần bên trong vững vàng, bệnh lấy đâu mà ra. Bệnh gì cũng không có thì đâu có bệnh ung thư  (trích từ “Tìm hiểu bệnh ung thư, giáo sư bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, NXB TP. HCM, trang 106).
          2.Theo lời dạy của Y tổ Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh:
                              “Bế tinh dưỡng khí tồn thần
                      Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình”.
          Nghĩa là: Muốn bảo vệ chính khí (sức khỏe, hệ miễn dịch) cần phải giữ gìn tinh lực – tinh thần – bằng các biện pháp: Giữ trong lòng – nội tâm – lúc nào cũng bình an (thanh tâm), hạn chế tham muốn (quả dục), không làm gì quá sức (thủ chân), tập luyện thể dục, thể thao (luyện hình).
          B. Cụ thể:
          1. 
Tạo một cuộc sống tinh thần luôn bình an (Thanh tâm): Tiến tới “4 không” (thực tế là “4 giảm”): không (giảm) lo, không (giảm) buồn, không (giảm)  giận, không (giảm) sợ. Trong cuộc sống hàng ngày, nhất là cuộc sống văn minh hiện tại đầy khẩn trương, phức tạp, phong phú,… thúc đẩy người ta phải lo nhiều, từ  lo nhiều phát sinh buồn, giận, sợ.
          Cần phân biệt 2 loại lo: lo vị kỷ và lo vị tha.
          Lo vị kỷ: lo cho bản thân mình danh lợi, chức tước, quyền lực,… sẽ sinh ra nhiều hậu quả nguy hiểm là lo buồn, tức giận, lo sợ.
          Lo vị tha: lo cho người khác, cho tập thể xã hội, như thầy thuốc hết lòng lo cho bệnh nhân vô điều kiện vô vị lợi, thì rất ít nguy cơ phát sinh buồn giận sợ.
          Xét về khía cạnh y khoa thì: Còn sống thì còn lo, vấn đề là lo cho ai? Lo “lành tính” chính là lo vị tha, không hạn chế, nhưng cũng không nên quá sức. Lo “ác tính” chính là lo vị kỷ, đầy nguy cơ sinh giận, buồn, sợ.
          Theo Y học cổ truyền: Lo hại bộ máy tiêu hóa (tư thương tì), Buồn hại bộ máy hô hấp (bi thương phế), Giận hại bộ máy vận động (nộ thương can), Sợ hại bộ máy sinh dục, tuyến thượng thận, thận, xương tủy (khủng thương thận).
          Khi tiến đến 4 không, có phải là ta trở nên vô cảm, không còn cảm xúc buồn, giận, sợ? Chính xác là làm cách nào tránh các nguyên nhân làm cho mình phải lo, buồn, giận, sợ. Tục ngữ có câu “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, cây muốn yên thì chỉ còn cách đừng làm gì tạo gió, thậm chí gây bão. Vậy, muốn tiến tới “4 không” cần phải:
          - Đơn giản hóa cuộc sống, giảm các nhu cầu (quả dục).
          - Trong mối quan hệ giữa người với người: Học tập và thực hiện tối đa các giá trị cuộc sống (living values), chủ yếu là các giá trị tôn trọng, khoan dung, tương trợ, thương yêu,… Thực hiện các giá trị cuộc sống giúp người ta bớt lo, buồn, giận, sợ (ngừa stress).
          - Còn nếu stress đã xảy ra thì giải stress bằng tư duy tích cực (Positive thinking). Khi gặp thất bại hay sự việc không vui, không hài lòng, làm ta căng thẳng lo, buồn, giận, sợ,… thì lập tức phải suy nghĩ tư duy tìm các khía cạnh có lợi, các mặt tích cực, cái lỗi về phía mình,… Tục ngữ ca dao cũng có nhiều câu mang ý nghĩa tư duy tích cực như “Thất bại là mẹ thành công”, “Sau cơn mưa trời lại sáng”, “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, “Suy bụng ta ra bụng người”, “Trong cái rủi có cái may”, “Gieo nhân nào được quả ấy”, “Gieo gió gặt bão”,…
          Trường hợp đặc biệt: Nếu bệnh nhân là người có đạo:
          Đạo Thiên chúa:  Đức Jesus Christ vừa là chúa Trời vừa là một thầy chữa bệnh, các lời dạy của Chúa (ghi trong kinh thánh) có giá trị rất cao để chữa bệnh. Đặc biệt bệnh tâm linh, tâm thể. Chúa Jesus phán: Hãy yêu kẻ thù của mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ rủa mình, cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình (Luca 6: 27-28, Math 5:44). Các linh mục cha xứ thường giảng: Toa thuốc trị mọi chứng bệnh, mọi lo âu phiền não, mọi tội ác là tình yêu thương. Nếu các con chiên ngoan đạo thực hiện lời dạy trên thì đâu còn gì để lo, vì sống trong lòng yêu thương của mọi người, nếu có lo thì lo cho người khác (lòng vị tha) thì đâu còn buồn, giận, sợ. Khuyến khích bệnh nhân thường xuyên đi nhà thờ, cầu nguyện, xưng tội. Học tập lời Chúa dạy: nhân ái, tha thứ, hy sinh,…
          Đạo Phật: Cũng tương tự, nên khuyến khích Phật tử thường đi chùa nghe giảng đạo, đi làm từ  thiện, thực hiện lời Phật dạy: giảm tham, sân, si (quả dục), lòng nhân ái, từ bi hỉ xả, khiêm hạ, nhẫn nhục, chân thật, bình đẳng, trầm tĩnh, vị tha,… tập thiền định (thanh tâm).
          2. Chế độ ăn: Tiến tới một chế độ ăn quân bình âm dương (acid base).
          - Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, cơ thể con người (huyết tương) có tính hơi kiềm (Dương) là tốt nhất (pH = 7,35 – 7,4 ). Nếu cơ thể con người có khuynh hướng acid (Âm) thì hoạt động tế bào kém, các chức năng yếu đi, chất thải khó bài tiết ra ngoài, chuyển hóa cũng chậm theo, tăng gánh nặng cho gan thận, suy giảm sức đề kháng, dễ xuất hiện các bệnh mạn tính, trước tiên dễ bị cảm cúm, nhiễm siêu vi (dân gian gọi là trúng gió). Đồng thời, tình trạng acid làm cho cơ thể mau già yếu, dễ mệt mỏi, tâm thần không ổn định. Yếu tố then chốt quyết định là chế độ ăn uống, thức ăn có thể chia thành nhóm sinh acid, sinh kiềm và trung tính. Những thức ăn ngon hấp dẫn phần lớn đều mang tính sinh acid như thịt, lòng đỏ trứng, gạo trắng, bánh mì trắng, đường trắng,… trái lại các loại rau, củ, đậu, rong biển, trái cây, gạo lứt đều mang tính sinh kiềm.
          - Chế độ ăn thịt có nhiều đạm động vật nhưng không ở dạng đơn thuần mà ở dạng liên hợp như Nucleoprotein, lipoprotein,… trong quá trình chuyển hóa sẽ cho ra nhiều sản phẩm độc hại cho cơ thể như urê, acid uric, nitrit, nitrat,… chính lượng nitrit-nitrat cao trong máu sẽ phối hợp với các gốc ô-xy tự do sẵn có trong cơ thể tạo thành Nitrosamin (chất gây ung thư). Do đó, đối với người trưởng thành, lượng đạm động vật nên đạt từ 25 – 30% trên tổng lượng đạm là thích hợp.
          - Chế độ ăn chay có ưu điểm kiềm hóa máu, nếu trong bữa ăn chay có đậu, mè, nấm thì không sợ thiếu chất đạm, các loại acid amin,… Đặc biệt, một số nấm ngoài tính chất chứa nhiều đạm thực vật lại có những hoạt chất chống ung thư (nấm bào ngư, nấm đông cô, nấm tuyết, nấm mèo đen, nấm hầu thủ,…)
          - Chọn các thức ăn uống có chứa các vitamin kháng ung (vitA, B, C, E), có khoáng chất chống ung thư (Mg, Kẽm, Germanium, Selenium).
          - Tình trạng acid cũng thường xuất hiện khi lo lắng thái quá hay lao động quá sức.
          - Cách ăn: Cần nhai kỹ trước khi nuốt, khi nhai kỹ thức ăn đã được tiêu hóa một phần và được kiềm hóa một phần nhờ nước bọt. Chính cuộc sống hiện đại đầy khẩn trương khiến người ta ăn vội vàng (fast food) không có thì giờ nhai, điều này chắc chắn ảnh hưởng không tốt đến bộ máy tiêu hóa.
          - Nước uống có phẩm chất tốt: chất khoáng lượng thích hợp, không chất có hại, độ cứng vừa, chứa nhiều oxy, chứa ion bicarbonat, có tính kiềm.
          - Giới hạn dùng nước đá, kem lạnh,… dễ làm rối loạn tiêu hóa, viêm họng.
          Chế độ ăn đề nghị dành cho bệnh nhân ung thư:
          Kiêng cữ hẳn: mỡ động vật (heo gà bò). Hạn chế: thịt, muối, đường, trứng, hóa chất (phẩm màu, hương vị thực phẩm). Nên ăn rau, bông cải, dền, bắp cải, củ (carot…), đậu (đậu trái, đậu hột, đậu đen-đỏ), nấm (bào ngư, đông cô, nấm tuyết, nấm mèo đen, nấm hầu thủ), rong tảo biển, trái cây (táo, dâu,…), tỏi, hành tím và cá (thịt màu trắng). Uống đủ nước: nước khoáng kiềm, nước trà xanh, nước trái cây.
          3. Tập luyện:
          Có nhiều phương pháp tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe (hệ miễn dịch): Thư giãn, chống stress. Tự xoa bóp thúc đẩy lưu thông khí huyết, chống ứ trệ, làm tăng tiết Endorphin, có tác dụng tăng miễn dịch, làm sảng khoái dễ chịu, góp phần giải quyết một số tác dụng phụ sau phẫu-hóa-xạ trị. Tập thái cực quyền là môn võ dưỡng sinh rất phù hợp cho người lớn tuổi, sức khỏe kém. Môn võ này vừa giúp vận động toàn thân, lại giúp tinh thần bình an (thiền động). Tập thiền định (thiền tĩnh). Đi bộ chậm, thở sâu.
          4. Đông dược: Chỉ sử dụng ở thời gian đầu, lúc cơ thể quá suy sụp, gồm có: Bồi bổ hệ miễn dịch, các dược liệu bổ tinh-khí-huyết, nguyên khí. Xử lý các tác dụng phụ, cải thiện chất lượng sống, các dược liệu hành khí hoạt huyết,… Ức chế tế bào ung thư…
          IV/- Lời bàn:
          Để phòng ngừa ung thư, các liệu pháp trên khó thực hiện ở người còn trẻ khỏe, còn ham danh lợi, chưa từng bị bệnh nặng, còn ham ăn ngon, mặc đẹp, đua đòi,… Phương pháp trên phù hợp với bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe kém, cuộc đời đã qua nhiều phong ba bão táp, ba chìm bảy nổi, đã nếm đủ các lạc thú cũng như đã chịu nhiều đau khổ, do đó dễ thấm thía các giá trị cuộc sống (living values). Nhất là sau khi bị ung thư, chịu đựng các tác dụng phụ của liệu trình phẫu-hóa-xạ trị cùng với nỗi ám ảnh ung thư tái phát, di căn.
          Ung thư là chặng cuối của con đường bệnh tật, bệnh nhân sau khi điều trị bằng phẫu-hóa-xạ trị, thường còn tồn tại tác dụng phụ và nhất là lo sợ tái phát. Y học cổ truyền có thể góp phần giải quyết bằng cách giúp bồi dưỡng nội lực (chính khí), làm tăng sức đề kháng với bệnh tật nói chung và ung thư nói riêng bằng các liệu pháp chống stress, chế độ ăn uống quân bình âm dương (acid base). Tập luyện theo lời dạy của Y tổ Tuệ Tĩnh: “Bế tinh dưỡng khí tồn thần/ Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình”. Cũng như thực hiện những bài học về phòng bệnh theo “Hoàng đế nội kinh”: Điềm đạm hư vô/ Chân khí tùng chi/ Tinh thần nội thủ/ Bệnh an tùng lai”.
 
 
          Tài liệu tham khảo:
1. GS. TS. Đái Duy Ban, Phòng bệnh ung thư, NXB Y học, 2000.
2. DS. Phạm Văn Chiêu, Ăn uống phòng trị bệnh ung thư, NXB Thuận Hóa, 1999.
3. Phạm Văn Chinh, Ăn uống hòa hợp âm dương, NXB Thanh niên, 2003.
4. TS. Đỗ Trung Đàm, Phòng bệnh ung thư, NXB Y học, 1995.
5. GS. Nguyễn Chấn Hùng, Tìm hiểu bệnh ung thư, NXB. TP. HCM
6. GS. Nguyễn Chấn Hùng, Ung bướu học nội khoa, NXB Y học, 2004.
7. GS. Trần Văn Kỳ, Đông y trị ung thư, NXB. Mũi Cà Mau, 2003.
8. Trương Thìn, Phát triển phương pháp luận Đông y,  CLB YHDT Sở Y tế TP. HCM
9. Hiệp hội quốc tế chống ung thư, Cẩm nang ung bướu học lâm sàng, NXB Y học, 1997..
10. Trường Đại học Y khoa Hà Nội, Y học cổ truyền, NXB Y học, 1994.
11. Trường Đại học Y dược TP. HCM, Khoa Y, Bộ môn YHCT, Bài giảng bệnh học và điều trị, 1998.
12. Thủy liệu pháp, NXB Đà Nẵng, 2003.
13. Michio Kushi, Dinh dưỡng ngăn ngừa ung thư, NXB Y học, 2000.
14. Patrik Quillin, Chữa ung thư bằng dinh dưỡng.
15. Ric-hart Frame, Chữa bệnh bằng phương pháp tự nhiên, NXB Y học, 2002.
16. SL. Chillen MD, Sức khỏe tùy bạn đấy, 1971.
17. C.Guyton, Textbook of  physiology, WB. Saunder company, 1991.
18. Bertram G Katzung, Basic and clinical pharmacology1989.
19. Harrison, Principles of internal medecin, 14th edition, 1998.
 

Tác giả bài viết: ThS. BS. QUAN VÂN HÙNG (Viện Y dược Dân tộc TP. Hồ Chí Minh)

Chú ý: Quý vị đăng lại bài viết ở Website hoặc phương tiện truyền thông khác xin vui lòng  ghi rõ nguồn http://truongsinhhocds.com -Cám ơn!

Tổng số điểm của bài viết là: 132 trong 31 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 31 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây