Nhịn ăn để chữa bệnh: Đúng hay sai?

Thứ sáu - 18/07/2014 05:18

Nhịn ăn để chữa bệnh: Đúng hay sai?

(VnMedia) – Vấn đề nhịn ăn để chữa bệnh đang được nhiều người quan tâm. Họ cho rằng, nhờ nhịn ăn đúng phương pháp, con người có thể tự chữa khỏi nhiều bệnh. Vậy điều này đúng hay sai?

       (VnMedia) – Vấn đề nhịn ăn để chữa bệnh đang được nhiều người quan tâm. Họ cho rằng, nhờ nhịn ăn đúng phương pháp, con người có thể tự chữa khỏi nhiều bệnh. Vậy điều này đúng hay sai?


 
       Theo Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, Y học hiện nay không bài xích, phê phán phương pháp nhịn ăn chữa bệnh nhưng cũng không khuyến khích. Quá trình nhịn ăn kéo dài sẽ xảy ra một số diễn biến khác thường trong cơ thể, cần phải có những nghiên cứu chứng minh được một cách khoa học, khách quan các diễn biến đó không theo hướng xấu ảnh hưởng tới sức khỏe. 
       Cơ thể con người gồm nhiều cơ quan, bộ phận luôn cần được cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng để tồn tại và hoạt động. Nếu nhịn ăn kéo dài nguồn năng lượng sẽ cạn kiệt, các chất dinh dưỡng sẽ thiếu hụt, sẽ gây nên sự ảnh hưởng không tốt tới hàng loạt các chức  phận bên trong cơ thể, đặc biệt là não. 
       Trọng lượng của não chỉ chiếm 1 phần 40 trọng lượng cơ thể nhưng não lại tiêu hao 1 phần tư lượng ôxy và 1 phần 5 lượng máu cung cấp dưỡng chất cho toàn thân. Não là bộ phận tiêu thụ lớn nhất nguồn năng lượng của cơ thể. Nếu tế bào não bị đói sẽ dẫn đến rối loạn hệ thống thần kinh trung ương là nơi điều hành mọi hoạt động chức năng của cơ thể. 
       Nếu lượng đường huyết trong máu giảm thấp dưới 80mg/dl đã có những biểu hiện mệt mỏi, bủn rủn chân tay, đầu óc kém minh mẫn, hạ huyết áp, tim loạn nhịp, toàn thân vã mồ hôi. Và, nếu đường huyết giảm nhiều hơn sẽ dẫn đến hôn mê, nguy kịch. Việc duy trì mức đường huyết ổn định bình thường là nhờ được cung cấp các thức ăn tạo năng lượng gồm chất bột, chất béo, chất đạm. 
       Trên cơ sở lý thuyết của nhịn ăn chữa bệnh là: Khi nhịn ăn cơ thể sẽ phải tự tiêu hao phần thịt của mình để duy trì sự tồn tại. Do đó, một số khối u, tổ chức viêm... sẽ được tiêu đi và thay vào đó là các tổ chức lành lặn. Tuy nhiên, việc nhịn ăn cũng khó thực hiện, người nhịn ăn phải có quyết tâm cao, khi nhịn ăn phải từ 7 – 8 ngày trở lên và phải tuân thủ nghiêm ngặt một số nguyên tắc về ăn uống. Việc nhịn ăn cần có sự chỉ dẫn, theo dõi chặt chẽ của người có chuyên môn y tế để phát hiện và xử trí kịp thời những diễn biến không tốt xảy ra. 
       Mỗi cơ thể có sự điều chỉnh, thích hợp khác nhau nên không phải ai áp dụng nhịn ăn cũng chữa được bệnh, chưa kể có những trường hợp thất bại, dẫn đến hậu quả nguy hiểm như viêm phổi, suy nhược cơ thể, ngất... Vì vậy, cần có những nghiên cứu đúc kết một cách khoa học, đưa ra những kết luận, khuyến nghị cụ thể về vấn đề nhịn ăn chữa bệnh sao cho phù hợp với từng trường hợp (trẻ, già, gầy, béo...) và những trường hợp nào là chống chỉ định.
 

Tác giả bài viết: THÙY MINH

Nguồn tin: www.vnmedia.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 120 trong 29 đánh giá

Xếp hạng: 4.1 - 29 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Kim Thanh Tâm

    Nhịn ăn (chủ động hoặc bị động) là không ăn uống gì hoặc ăn không đủ no, không đủ năng lượng để bù vào năng lượng đã được tiêu hao.
    Chúng ta từng biết những cuộc nhịn ăn hoàn toàn (tuyệt thực) của các nhà chính trị chống lại chế độ hà khắc của quân thù. Họ có thể nhịn ăn dài ngày, ngắn ngày, song không có tử vong (nếu không có yếu tố gây tử vong tác động) và sau đó vẫn phục hồi. Tuy nhiên, trong giai đoạn đói ăn, nếu cho ăn một lúc quá nhiều có thể dẫn đến tử vong (Hải Thượng Lãn Ông có câu: “Chết vì bội thực cũng nhiều, ngờ đâu lại có người nghèo chết no”). Còn nếu khi đói lả, cho dần từng thìa nước cháo để tỉnh lại, rồi cho cháo loãng, ít một, rồi cháo đặc... thì cứu được.
    Nhiều bệnh nhân sốt cao, trong giai đoạn phát nặng thật sự không có cảm giác đói, no và miệng đắng không muốn ăn gì, có thể kéo dài vài ngày. Sau khi hết sốt, dần dần mới cảm thấy đói và thèm ăn. Nhịn ăn trong giai đoạn bệnh cấp tính là một phản ứng của cơ thể, đó là do toàn cơ thể tập trung vào công việc bài tiết độc tố, chứ không chú trọng vào việc hấp thu thức ăn.

     Kim Thanh Tâm  kimthanhtam.vt@gmail.com  08/07/2013 11:18
  • Hoàng Tiến Nhẫn

    “Cơ thể của chúng ta chính là thầy thuốc chữa bệnh tuyệt diệu nhất, nó gắng sức để đào thải các chất độc của cơ thể qua các hiện tượng ấy!”. Một người bạn có lần đã nói cho tôi nghe là một nhà thông thái đã nói: “Cội rễ của tất cả mọi điều xấu xa trên thế gian đều bắt nguồn từ sự ham muốn – ham muốn được thưởng thức hương vị của mọi thứ”. Tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói đó. Nhờ sự nhịn ăn, bản năng con người trở nên linh mẫn hơn.

     Hoàng Tiến Nhẫn  hoangtiennhan@gmail.com  05/07/2013 09:59
  • Nguyễn Minh Huệ

    Trên tờ “Khoa học & Đời sống”, Bác sĩ Vũ Định đã viết:
    Về phương pháp nhịn ăn, các tác giả theo trường phái này (nhiều người là thầy thuốc) cho rằng nhờ nhịn ăn đúng phương pháp, con người có thể tự chữa khỏi nhiều bệnh. Như bác sĩ Nacagawa (Nhật bản) đã áp dụng phương pháp nhịn ăn tự chữa khỏi cho mình nhiều bệnh mãn tính và sau đó đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người khác qua việc thành lập Viện điều trị nhịn ăn và dùng thức ăn thiên nhiên.
    Ở phương Tây, bác sĩ Réne Lejeune cũng đã áp dụng phương pháp nhịn ăn và viết một cuốn sách nhan đề “Nhịn ăn để chữa bệnh - ngày hội của thân thể và tinh thần”. Ở nước ta, đã có một số người tự chữa khỏi nhiều bệnh bằng phương pháp nhịn ăn.
    Theo chúng tôi được biết, y học chính thống không bài xích phương pháp nhịn ăn chữa bệnh, nhưng cũng không khuyến khích bởi những lý do sau:
    Phương pháp này khác với những hiểu biết thông thường về diễn biến của cơ thể khi xảy ra nhịn đói. Khó áp dụng; người nhịn ăn phải có quyết tâm rất cao, nhịn ăn 7 – 8 ngày trở lên. Người ta thường chia một đợt nhịn ăn qua 4 giai đoạn: chuẩn bị, nhịn ăn chính thức, chuẩn bị ăn lại và bắt đầu ăn bình thường. Mỗi giai đoạn cần tuân thủ nghiêm ngặt một số nguyên tắc về ăn uống. Không phải ai áp dụng phương pháp này cũng thu được kết quả. Đó là chưa kể đến một số trường hợp bị viêm phổi cấp, bệnh ác tính về máu, bệnh tim, suy nhược nặng... sẽ rất nguy hiểm khi áp dụng.
    Trong thời gian nhịn ăn có thể xảy ra những biến chứng, vì vậy cần theo dõi sát sao, tốt nhất là tại bệnh viện chuyên trách dưới sự điều trị và hướng dẫn của thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này.

     Nguyễn Minh Huệ  minhhueyenbai62@gmail.com  05/07/2013 09:45
. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây