Món quà sinh nhật

Thứ hai - 24/10/2016 05:10
Mỗi năm có nhiều ngày lễ lớn nhỏ. Thường cứ sắp đến những ngày lễ, ai cũng thi đua lập thành tích chào mừng. Là một môn sinh của bộ môn Trường Sinh học Dưỡng sinh, tôi có thêm một ngày kỷ niệm thiêng liêng: Đó là ngày 24 tháng10 – dịp Sinh nhật Đức Tổ sư Đasira Narada (1846 – 1924).
Món quà sinh nhật
       Đức Tổ sư Đasira Narada, một vị tiến sĩ người Sri-Lanka, đã dành trọn cuộc đời mình vào việc tìm ra phương pháp chữa bệnh cứu người. Nhận thấy nhân loại luôn bị nhiều chứng bệnh bủa vây mà khả năng giúp người của mỗi người có hạn; nhận thấy tiềm năng con người rất lớn mà loài người chưa khai mở hết, ông đã bỏ lại sau lưng tất cả danh vọng, địa vị để lên núi tu luyện. Trải qua 18 năm ròng, ông đã tự khai mở các đại huyệt lớn trên cơ thể, luyện thở kết hợp tĩnh tâm hấp thụ năng lượng vũ trụ vào cân bằng sinh học cơ thể, khai thông những bế tắc, nâng cao sức đề kháng tự nhiên để đuổi bệnh.
       Tổ sư Đasira Narada cũng tìm ra cách khai mở luân xa cho người khác và nhờ đó, qua các đồ đệ của Ngài, pháp môn này được lưu truyền rộng rãi đến hôm nay, trở thành một trào lưu luyện tập bền bỉ, rộng mở khắp năm châu.
       Trên dải đất hình chữ S ở Châu Á xa xôi này, bộ môn Trường Sinh học của Đức Tổ sư Đasira Narada không còn gì xa lạ nữa. Nó như một món quà vô giá mà tiền nhân để lại cho chúng ta.
       Sống trên đời này, ai mà không có bệnh, không bệnh nhiều thì bệnh ít. Ai chưa bệnh rồi sẽ có ngày bị bệnh. Ai bệnh rồi cũng sẽ qua nhờ Đông y, Tây y và Nam dược. Ai bệnh hiểm nghèo bị "thầy thuốc chê" thì phải vẫy tay chào thế giới này để đi vào cõi chết. 
       Có cách nào chống lại số mệnh? Có cách nào hạn chế đưa thuốc vào người mà vẫn vượt lên bệnh tật, bảo vệ và nâng cao việc giữ gìn sức khỏe? Bộ môn Trường Sinh học Dưỡng sinh là một giải pháp khoa học và tâm linh có thể trả lời phần nào trăn trở ấy.
       Thầy mang đến cho hậu thế một món quà có ý nghĩa lớn lao như vậy. Theo đạo lý "uống nước nhớ nguồn", việc phổ biến, duy trì, phát triển bộ môn này sẽ là một món quà mà chúng ta dâng lên bậc thầy của mình.
       Tôi là môn sinh bén duyên với bộ môn một cách tình cờ qua thông tin trên facebook. Từ sự lạ lẫm, hoài nghi "nó là cái gì?", "nó có thuộc một tổ chức phản động lôi kéo con người vì mục đích chính trị hay thực dụng nào khác?". Tôi đã đọc các bài viết "người thật việc thật" đã hết bệnh, khỏe hơn nhờ luyện tập. Có bệnh thì vái tứ phương. Ai cũng biết tính hai mặt của thuốc tây và nếu có một giải pháp tốt giúp nâng cao sức khỏe bằng cách tìm về bản thể tại sao lại không ứng dụng, thực hành.
       Tôi và người thân đi học lớp Trường Sinh học Dưỡng sinh đủ một tuần. Từ khai mở các luân xa 7, 6, 5, 4, 3, 2 và đi vào thiền định 30 phút, nhích lên 35, 40, rồi 60 phút trong 6 buổi tập ấy. Có người thấy ngứa râm ran ở mũi, da. Có người mỏi tay. Có người đau chân,... Tôi từ chỗ không có cảm giác gì khác lạ trong buổi đầu, dần dà cũng có những phản ứng cơ thể khác nhau trong lúc ngồi thiền cùng đại chúng. Ngày cuối cùng của khóa học, niềm vui đến theo những đợt xả trược nhè nhẹ.
       Trong 6 buổi thì có vài lần đau chân không chịu được nên tôi đã mở mắt ra. Thấy mọi người tập trung quá tôi lại nhắm mắt và cố gắng. Tôi ngồi được đến mốc thời gian quy định là nhờ cố sức theo mọi người. Có chị đã bật khóc vì mừng khi nghe báo đã hết 60 phút, xả thiền.
       Ban đầu, tuy chưa thấy hiệu quả cụ thể với mình ra sao, nhưng ngồi đạt thời gian quy định đã là vượt lên bản thân rồi. Những cảm giác xả trược mờ mờ đi qua cơ thể, kéo theo những cơn đau mà cái đau sau bao giờ cũng cao hơn cơn đau trước. Cho đến lúc áp lực dồn nén lớn quá thì mình đứng trước ba lựa chọn: mở mắt, ngồi tiếp hay tìm cách xả. Mở thì cũng có mở rồi. Mở mắt xong thấy uổng và hối hận, phải chi ráng thêm chút nữa coi nó ra sao.
       Có lẽ cũng có nhiều người giống như tôi: nhúc nhích nhẹ cho bớt đau. Đang ngồi thẳng, đau chân quá, tôi thụng lưng xuống. Nhưng thụng lưng xuống thì cơn đau dồn lên bắp chuối còn dữ dội hơn, nhức hơn. Lại thẳng lưng, ẹo qua ẹo lại chịu đựng, hít thở sâu và nhẹ. Khi đã áp chế được cơn đau nhức thì một lúc sau xả trược như nước tràn bờ ngày mưa lớn.
       Mà lạ lắm. Có ngày ngồi 30 phút đã nghe xả. Có hôm chuông reo 60 phút mà chưa xả được. Cho nên người đi trước có lời khuyên "ngồi đúng, ngồi đủ, ngồi đều, ngồi đạt, không mong cầu điều gì, tùy duyên".
       Học thiền là theo phong trào. Nhưng giữ luân xa là do chính mình. Sau ngày đi học tập trung về, xa đại chúng, xa huấn luyện viên, không có nhóm tập, hai chúng tôi ngồi thiền với nhau. Thiền ở ngoài muỗi chích thì vô mùng thiền. Người này sắp nản thì người kia động viên "cố lên". Có những hôm công việc nhiều, một ngày chỉ ngồi 30, 35 phút để giữ luân xa. Lời giảng huấn còn vẳng đâu đây "một ngày không tập dễ mất luân xa". Lẽ nào chỉ vì quên tập một ngày mà luân xa đóng? Lại hoài nghi rằng luân xa đã quay, trược đã xả thì đâu thể đóng dễ dàng như vậy?
       Hôm đó, tôi ngủ trưa giấc quá dài, hơn 90 phút. Sáng hôm ấy lại không tập. Tối lại, ngồi 45 phút mà không thấy gì. Cảm giác y như ngày đầu đi học. Tôi trải nghiệm luân xa ngừng quay như lời cảnh báo. Một nỗi buồn xâm chiếm. Thầy về Bình Dương hết rồi, làm sao đi học lại? Tôi lên facebook than thở thì chị Thắm động viên ráng ngồi tiếp, đừng bỏ, luân xa chỉ yếu chứ chưa bị đóng.
       Những ngày sau đó, tôi cũng ngồi nhưng không kiên nhẫn hơn, nhiều khi không tìm lại được những cảm giác xả trược. Bên kia, ông xã cũng thấy hiệu quả ngồi yếu dần vì chưa tinh tấn, ngày ngồi một lần mà bữa đến 60 phút, bữa không. Sực nhớ, lâu nay đi học về ngồi tập nhưng hình Thầy Tổ còn cất trong sổ, ít khi mang ra treo và cầu khấn. Nghĩ là làm. Hai đứa lúi húi mang hình thầy để trang trọng phía trước, mỗi buổi tập khấn đức Tổ Sư gia hộ cho con tinh tấn ngồi đến chuông reo. Khoảng 3 ngày sau thì anh cảm thấy luân xa quay mạnh trở lại, trược lại về. Riêng rôi, phải đến nhờ chị Mai học lớp 3 hỗ trợ thiền một tuần. 
       Ngày đầu được hỗ trợ, tôi nghe năng lượng vào ào ạt. Cố chịu đau ngồi đến 60 phút, nhưng không xả được. Tôi xả thiền xong, chị nói: "luân xa 3 và luân xa 2 của em lạnh ngắt, các luân xa khác ấm". Tôi thành thật "đúng là em có bế tắc về hệ thần kinh và vùng luân xa 2". Hai chị em cùng cười. Chị khuyên tôi nên xoa bóp các đầu ngón chân, các khớp. Có thể vì bế tắc nhiều, trược còn bị ứ ở các chỗ đó chưa xả được nên đau nhức. Những ngày sau, hễ chị trợ thiền xong là tôi xả trược được. Cảm giác luân xa đã mạnh lại, trược được khai thông khiến tôi vô cùng phấn chấn và tin tưởng. 
       Phải nói Trường Sinh học Dưỡng sinh đã cho tôi những ngày chắt chiu thời gian, lắng nghe những diễn biến trong cơ thể mình. Niềm tin được củng cố dần dần và niềm tin ấy không còn mơ hồ hay lý thuyết viển vông nữa. Qua trao đổi, chị Mai cho biết trước đây chị mất ngủ, viêm xoang, viêm đại tràng nặng, nhức hai tay nhưng sau 6 tháng ngồi thiền giờ chị đã hết các chứng ấy. Chị mang mớ thuốc Đông, Tây uống dở ra để khoe: "Đây là mớ thuốc chị đang uống dở lúc trước, giờ bỏ luôn rồi".
       Tôi có người chị ruột ở khác xã. Chị đi học thiền chung đợt với tôi. Chị bị tiểu đường, mỡ máu cao. Sau 3 tháng ngồi thiền đều đặn ngày 60 phút hoặc hơn, mới đây, chị đi khám tổng quát, xét nghiệm lại thì không còn chỉ số về mỡ máu nữa. Chị nghe tôi kể về hành trình tìm lại, phục tráng luân xa và động viên "cố gắng sẽ hết bệnh. Giờ chị sợ bị như em nên ráng ngồi đều".
       Khi mới đi học thiền về, tôi hay gởi niềm vui vào những bài thơ, bài viết. Rồi sự cố yếu luân xa đã làm chậm lại quá trình luyện tập. Tôi rút kinh nghiệm sau mỗi lần ngồi để lần sau ngồi đúng. Tôi thấy viết và làm phải đi đôi với nhau nên lui vào luyện tập. Như người ở ẩn và quyết tâm, mỗi ngày tôi đều ngồi đủ hai lần, ngồi đến 60 phút hoặc hơn chút ít. Sự cố gắng, khấn nguyện như chạm đến Đức Tổ sư, Đức Tổ sư đã cho tôi đức tin. Đến hôm nay, khi tôi ngồi, cảm giác đau nhức có hôm bớt đi, có hôm biến mất mà trược thì cứ theo về đều đặn. 
       Mừng Sinh nhật Đức Tổ sư, tôi lấy sự tưởng nhớ và hiệu quả luyện tập làm quà. Tôi cố gắng mỗi ngày tinh tấn, giữ luân xa và duy trì nó, giới thiệu cho mọi người cùng tìm đến với bộ môn khoa học trải nghiệm lý thú này.

Tác giả bài viết: Môn sinh HUỲNH THỊ MỸ PHƯỢNG (Trường THPT Thủ Thừa, Long An)

Chú ý: Quý vị đăng lại bài viết ở Website hoặc phương tiện truyền thông khác xin vui lòng  ghi rõ nguồn http://truongsinhhocds.com -Cám ơn!

Tổng số điểm của bài viết là: 59 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 13 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây