Vạn sự tùy duyên

Thứ ba - 26/07/2016 05:10
Tình cờ xem trên mạng thấy có thông tin lớp học dưỡng sinh Trường Sinh học ở trường Mẫu giáo Minh Hằng, Tầm Vu, Châu Thành, Long An, tôi vui như mèo gặp mỡ. Số là trong người có nhiều bệnh mãn tính, èo uột từ nhỏ tới giờ nên tôi quyết chí đi học.
 

Đoạn đường từ Nhị Thành, Thủ Thừa quê tôi tới đó khoảng 30 cây số. Tôi rủ ông xã cùng đi. Ông xã tôi tuy chưa hiểu Trường Sinh học là gì, ngồi thiền có ích lợi gì, nhưng thấy vợ đi học lớp buổi tối xa nên chịu đi học chung để làm tài xế là chính.

Tôi điện thoại rủ hai bà chị ruột cùng đi nhưng một chị thì không quan tâm, một chị thì nói: “Tao rủ chị Tư mày đi. Nó không đi, đi một mình, tao làm biếng”

- Rủ anh Ba đi chung?

- Ổng không có thời gian ngồi thiền.

Ngày đầu, chỉ có hai vợ chồng tôi đi. Hỏi thăm mãi cũng tới được lớp học dù bị trễ giờ. Họ thông báo 18 giờ bắt đầu nhưng 18 giờ 15 chúng tôi đến thì đã hết chỗ để xe, lớp đã bắt đầu từ trước. Ai cũng ân cần đón chúng tôi vào, chỉ vị trí ngồi và trấn an “mới chỉ bắt đầu phần lý thuyết thôi”.

Sau phần lý thuyết là phần khai mở luân xa và thực hành ngồi thiền. Các giảng huấn, người trợ thiền ăn mặc chỉn chu, cổ đeo bảng tên, tiến hành làm nghi thức trang nghiêm trước ảnh Tổ Sư và chắp tay cám ơn học viên rồi đặt tay lên đầu môn sinh, nhắm mắt lại và khai mở. Mỗi lượt 5 người.

Sau khi được khai mở luân xa, môn sinh được nhóm trợ thiền hướng dẫn vào vị trí, hít thở ba lần trước khi nhập thiền.

Ngày đầu, chúng tôi ngồi 35 phút. Ai đang có bệnh nặng thì ở lại để được trợ giúp thêm 15 phút. 

Chồng tôi vốn khó ngủ. Đêm đầu ngồi thiền và được trợ giúp thì về ngủ ngon. Anh thấy tin tưởng. Anh kêu tôi rủ chị Ba đi chung cho vui. 

Ngày thứ hai, cũng chỉ có hai đứa đi. Đường xa, gió lạnh, rồi mưa xối xả. Hai đứa mặc áo mưa đi. Trên đường, những xe tải chở thanh long xuất khẩu chạy hối hả như không hề biết ở trung tâm thị trấn có 84 môn sinh từ khắp nơi trong tỉnh đổ về để được hướng dẫn sống chậm bằng cách cân bằng sinh học cơ thể.

Ngày thứ hai, trên đường đi học thiền về, anh nói: “Khi nãy tê chân quá, chịu không nổi, anh muốn bỏ chạy rồi. Nhưng ráng cố gắng. Đến khi nghe hiệu lệnh: “Các bạn mở mắt ra và kết thúc buổi tập!” anh mừng quá”.

Đêm thứ hai, hai đứa ngủ ngon. Sáng sớm rủ nhau thiền, lòng tràn trề hy vọng sẽ đuổi được bệnh. Trước mắt là cải thiện giấc ngủ.

Buổi thứ ba, nghe hai đứa nói về hiệu quả môn học, chị Ba chịu đi học, một mình một xe.

Đến nơi, giảng huấn nói: “Chị thông cảm đợi học với khóa sau, một ngày không học là không thể tiếp tục”. Lỡ đến rồi, về một mình thì sợ lạc đường nên chị ngồi “dự thính” phần lý thuyết và quan sát lớp học. Sự thanh tịnh, nghiêm túc, tận tình, thiện tâm của giảng huấn và môn sinh đã chạm đến trái tim của chị. Một nỗi tiếc nuối, ân hận như vừa đánh mất một cái gì.

Hai đứa tôi kết thúc khóa học sau 6 tối đội mưa đi xa. Chị Ba nghe hai đứa nói về những chuyển biến trong cơ thể thì muốn đi học mà không biết khi nào họ trở lại Châu Thành.

Được biết, tuần kế tiếp, các huấn luyện viên sẽ về dạy ở trung tâm văn hóa huyện Cần Đước. Tôi chợt lóe lên ý nghĩ sẽ đi học lại ở đó để ngồi hưởng lực từ đại chúng và chở chị Ba đi luôn.

Tôi hỏi thăm đường sá và làm phép tính nhanh: đi và về 86 km, hơn Châu Thành 26 km. Nhưng so với Đức Tổ Sư mất 18 năm mới khai thông 7 luân xa tự chữa bệnh thì bây giờ mình đi xa như thế có thấm vào đâu. Có 6 ngày mà được học những hai cấp, khai mở 6 luân xa. Vậy là hai chị em cùng đi.

Tôi hỏi thăm đường từng chặng, sau 1 giờ 40 phút, chúng tôi đã đến lớp học, vượt qua 43 cây số đường xe. Lớp học này cũng đông như ở Châu Thành, có nhiều cán bộ đi học nữa. Một điều đáng trân trọng là đàn ông đi học khá nhiều, dù giờ học đúng vào giờ các ông thường bù khú với nhau sau một ngày làm việc.

Tôi chở chị tôi đi với hy vọng mong manh, sợ học một ngày thì chị nản chí và nghỉ ngang. Vì ngày thường chị bị hen suyễn, tiểu đường, viêm họng hạt và hay mệt mỏi. Cũng ngày đầu, chú huấn luyện viên nhận xét chị tôi ngồi yếu ớt quá, dặn về ráng tập thêm.

Ngày thứ hai, chị cũng ngồi yếu ớt như vậy. Nhưng chị bảo: “Thấy người ta ngồi được, mình cũng ráng ngồi”. Đêm đó, chị về ngồi thêm được 45 phút và thấy cái khớp tay bị đau mấy hôm nay không còn đau nữa.

Ngày thứ ba, chị lên đồ sẵn và giục tôi tới sớm để đến lớp sớm, được trợ giúp đầu giờ. Cứ thế, hai chị em tôi đi học 6 buổi thì có 3 buổi đi và về trong mưa tầm tã. Hai buổi bận về đi lạc lên gần tới An Lạc, Bình Chánh. Một lần cán đinh phải thay ruột xe, hai lần cán đinh phải vá. Không biết vô tình người mua làm rớt một cây đinh hay do ai đó rải đinh mà cây nào cũng mới?

Ngày thứ tư, chị tôi lần đầu thấy điểm sáng trước trán trong lúc nhắm mắt thiền. Hai bên gò má có cảm giác ngứa râm ran. Khi được hỗ trợ năng lượng thì thấy những xung động lan tỏa như một từ trường. Có cái gì đó nhẹ nhàng xoắn từ cổ xuống dọc sống lưng, tới tận xương cụt.

Ngày thứ năm, chị tinh tấn hơn.

Ngày thứ sáu, khóa học kết thúc, chị ngồi tới phút 60 và cảm nhận trược bung ra các đầu ngón chân. Hai bàn tay thì rần rần ở ngón áp út. Các “thầy” khen chị tôi tiếp thu nhanh và học có hiệu quả.

Kết thúc khóa học, chị lên nhận giấy chứng nhận trong nỗi hân hoan.
Trên đường về, chị nói: “Vạn sự tùy duyên. Em thấy không, ở Châu Thành gần hơn mà chần chừ cho lỡ khóa học. Ở đây đi xa gấp đôi, xe cộ nườm nượp nguy hiểm, bị cán đinh liên miên, trưa đi trong nắng nóng, tối về đi trong mưa lạnh tê tái mà vẫn có động lực để đi. Học cái này mình được nhiều thứ: biết yêu quý bản thân hơn, trân trọng sự sống,... mà quan trọng là phải chủ động nắm bắt những cơ hội trong tầm tay”.

Tôi thấy có lý quá đi chứ. Vạn sự tùy duyên. Nếu có duyên thì xa cũng nên gần và không có trở ngại, thử thách nào bằng sự quyết tâm, niềm tin và ý chí của con người.

Tôi tin, một khi hạt đã gieo từ Đức Tổ Sư thì mùa gặt sẽ vô tận trên những cánh đồng tôi và cánh đồng người.

Tác giả bài viết: Môn sinh HUỲNH THỊ MỸ PHƯỢNG (Trường THPT Thủ Thừa, Long An)

Chú ý: Quý vị đăng lại bài viết ở Website hoặc phương tiện truyền thông khác xin vui lòng  ghi rõ nguồn http://truongsinhhocds.com -Cám ơn!

Tổng số điểm của bài viết là: 59 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 13 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây