Nhìn trái tim trong sáng của mình

Thứ bảy - 15/10/2022 05:07

Nhìn trái tim trong sáng của mình

Chúng ta nên thường xuyên nhìn vào bản tánh thật của mình – trái tim yêu ái, đầy yêu thương, đầy vị tha bác ái, đầy hiền dịu, đầy khiêm tốn, đầy thành thật của mình, đang ở trong mình, mà mình không thấy vì mình không bao giờ “nhìn”.Kiến tánh thành Phật. Hãy thường xuyên “nhìn” trái tim trong sáng đó của mình. Mỗi ngày.
 
            Chào các bạn,
          Khổng tử nói: “15 tuổi lo học, 30 tuổi đứng vững, 40 tuổi không còn bị lầm lẫn mê hoặc, 50 tuổi biết được ý trời, 60 tuổi thuận tai nghe tất cả mọi điều, 70 tuổi có thể làm theo lòng mong muốn mà không ra khỏi vòng phép tắc.” (Thập hữu ngũ nhi chí ư học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ…)
          Tức là, theo Khổng Tử, phải đến 60 tuổi ta mới bắt đầu biết sống hòa bình, tai có thể nghe tất cả mọi người mà không thấy ai nghịch tai mình.
          Nhưng hiện nay chúng ta thực hành tâm tĩnh lặng để có thể nghe tất cả mọi người mà vẫn tĩnh lặng, không phải đợi đến 60 mới làm được điều đó.
          Điều này cũng dễ hiểu, vì truyền thống Khổng giáo chú trọng vào luật lệ, công thức, hệ cấp gia đình và hệ cấp xã hội – tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức, đúng sai…(1)
          Trong một khuôn mẫu sống với công thức như thế, con người cứ làm theo công thức cả đời, trưởng thành tâm linh rất chậm, phải đến 60 tuổi mới làm được điều mà trong truyền thống Phật gia Tiểu Long Nữ 9 tuổi cũng có thể giác ngộ thành Bồ tát trong một tích tắc.
          Dĩ nhiên không phải ai cũng có thể giác ngộ dễ thế, nhưng nguyên tắc thì rất giản dị – bản tánh thật của ta là tĩnh lặng trong sáng, nếu ta thấy được bản tánh đó thì ta thành Phật ngay – Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật (Chỉ thẳng vào tâm thật, thấy tánh, thành Phật).
 
 
 
          Nói là “tâm thật” (chân tâm) để ta khỏi nhầm với “tâm vọng động” (tâm xung động) với những tật xấu tạm thời – nóng giận, u uất, dối trá, tham lam…
          Chúng ta hay nói “tôi nóng tánh (nóng tính)”, “tánh tôi hay ganh tị”, “tánh tôi hay nói dối”… Nhưng những thứ đó không phải là “tánh” của ta. Đó chỉ là những thói xấu học được từ nhiều năm. Khi chúng trỗi lên là tâm vọng động.
          “Tâm thật” (chân tâm – tức là “bản tánh” hay “tánh”) của ta là Phật. Chỉ cần thấy tánh là thành Phật.
          Tánh ta không phải là ganh tị, giận dữ, tham lam… vì ta không ganh tị, giận dữ và tham lam 24 giờ một ngày, chỉ thỉnh thoảng có chuyện ganh tị, giận dữ hay tham lam, với ai đó về điều gì đó.
          Tánh ta là tĩnh lặng trong sáng. Thất tình lục dục là tạm thời.(2)
          Tánh của biển là tĩnh lặng. Bão tố sóng dữ là tạm thời.
          Tánh của trời là rỗng lặng. Mây mưa giông tố là tạm thời.
          Phật gia không nói “bỏ mọi thói xấu thành Phật”, mà nói “kiến tánh thành Phật” – thấy được bản tánh của tâm mình là thành Phật. Những thói xấu tự nhiên mất hết.
          Cho nên, chúng ta nên thường xuyên nhìn vào bản tánh thật của mình – trái tim yêu ái, đầy yêu thương, đầy vị tha bác ái, đầy hiền dịu, đầy khiêm tốn, đầy thành thật của mình, đang ở trong mình, mà mình không thấy vì mình không bao giờ “nhìn”.
          Kiến tánh thành Phật. Hãy thường xuyên “nhìn” trái tim trong sáng đó của mình. Mỗi ngày.
           Chúc các bạn một ngày trong sáng.
                   Mến,
                   Hoành.
 
Chú thích:
            (1) Tam cương: 3 kỷ luật cứng: quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu phụ (chồng vợ).
            Ngũ thường: 5 đức hạnh phải thường có là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
          Tam tòng (cho phụ nữ): Tại gia tòng phụ (còn ở nhà thì theo cha), xuất giá tòng phu (lấy chồng thì theo chồng), phu tử tòng tử (chống chết thì theo con trai).
          Tứ đức (cho phụ nữ): công dung ngôn hạnh (làm việc, đẹp, ăn nói, đức hạnh)
          (2) Thất tình là bảy loại tình cảm “Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục” – Tức là: mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn.
          Dục (ham muốn) lại có sáu ham muốn (lục dục) là ham muốn “lục trần” (sáu bụi) làm nên thế giới: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (màu sắc, âm thanh, mùi thơm, vị ngon, cảm giác sờ chạm, và mọi thứ ở đời).

 

Tác giả bài viết: TRẦN ĐÌNH HOÀNH

Nguồn tin: www.dotchuoinon.com

Tổng số điểm của bài viết là: 170 trong 41 đánh giá

Xếp hạng: 4.1 - 41 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây