Vàng thật, vàng giả

Thứ tư - 09/11/2016 05:06
Câu thành ngữ: “như thiết như tha, như trác như ma” được trích trong Kinh Thi cũng là tích xưa kể về đoạn hội thoại giữa Khổng Tử và người học trò Tử Cống khi nói về nhân cách.
Vàng thật, vàng giả
       Trong bài viết này, tôi muốn mượn đôi lời tâm sự nhiệt thành đến những môn sinh “cấp cao”, những người có duyên nhận trọng trách khai mở Luân xa và hướng dẫn bà con tập luyện môn Trường Sinh học Dưỡng sinh theo tinh thần: “đời giúp ta sáng tỏ đường đạo, ta giúp đời trong lúc lâm nguy”.
        Khi khai mở Luân xa cho học viên thực chất là khi chúng ta giúp cho học viên “tự nhận thức” về cơ thể mình, về sức khỏe của mình. Để từ đó, mỗi khi nhìn vào những tấm gương sáng mà cố gắng, từ đó mà kiên trì, từ đó mà tiến bộ. Tôi còn nhớ rất rõ tâm trạng của mình ngày đầu khi được luyện tập theo hướng dẫn của các minh sư, cái gì cũng muốn biết, cái gì cũng muốn hỏi. Thời gian cứ trôi qua, duyên lành khiến tôi được nhiều vị tiền bối chỉ bảo để tìm được những thứ mình cần, để hiểu tâm sở mình muốn. Có thể nói môn học giống như một chìa khóa vạn năng để tôi được bước vào một không gian rộng lớn và thánh thiện. Những điều tưởng là bí ẩn nhưng lại hoàn toàn có thể tìm thấy bằng điều đơn giản nhất.
        Khổng tử bảo: “chớ lo người khác không hiểu mình, hãy lo mình không biết người”. Học, học và học, học đến khi trở thành vô học. Cái vô học này không phải là cái vô học với ý nghĩa nhân cách hay văn hóa học, mà là cái “tuyệt học vô tư” trong tinh thần của Lão tử. Sách vở thế gian chỉ cho chúng ta rất nhiều kỹ năng như: Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Nghệ thuật quyến rũ, 48 nguyên tắc của quyền lực, Đợt sóng thứ ba, Làm giàu không khó, Sống như Tiểu Cường… Sách thế gian làm cho cái bản ngã khó ưa trở nên sắc sảo và khôn ngoan hơn, dạy chúng ta cách đạt được mục đích hoàn hảo hơn. Rốt cuộc thì sự học của thế gian làm ta “hữu ngã” hơn. Cái “tôi” nếu không được mài giũa cẩn thận thì nó sẽ làm cái bản ngã của chúng trương lên đáng sợ. Dần dà, chúng ta lấy học vấn của bản thân làm thước đo, muốn người khác làm theo, chúng ta khăng khăng mình đúng và ôm khư khư cái mình có. Cát càng nắm càng trôi. Tính khí nóng nảy và giận giữ nó xuất phát từ sự không thỏa mãn. Và, càng giận dữ thì ta lại càng làm người khác xa lánh, càng ngạo mạn lại ta lại càng làm người khác khó ưa, càng khó ưa thì dù ta có giỏi giang bao nhiêu, tài năng đến mấy cũng chẳng đến được được lòng người.
        Người Quân tử trong xã hội xưa và nay vẫn mong: Đa lộc, đa tài, đa phú quý. Đắc thời, đắc lợi, đắc nhân tâm. Những môn sinh có nhân duyên sâu với môn Thiền này thì cần phấn đấu trên mức Quân tử một chút. Đó là phấn đấu đến Hiền nhân, Thánh nhân.
        Quân tử, Hiền nhân, Thánh nhân là ba trạng thái tiến bộ trong nhân cách con người. Mang danh Quân tử thì sống cho đàng hoàng, mang danh Hiền nhân thì sống cho khiêm nhường, mang danh Thánh nhân thì sống cho thánh thiện. Phàm làm việc gì cũng cần ghi nhớ rằng quanh ta có rất nhiều người tài giỏi hơn ta, làm việc thiện thì phải nghĩ cho rằng sẽ có rất nhiều người cùng ta làm việc thiện.
        Đừng bao giờ “hét lên” và đừng bao giờ “bức xúc ra mặt” khi phải giải thích nhiều, khi mọi mong muốn của số đông làm ta phiền muộn, làm việc thiện là học cách yêu thương không phải học cách giận dữ. Là người Thiền thì phải là người Hiền.
        Cái mà chúng ta bo bo giữ trong tay tưởng là vàng thật nhưng lại là vàng giả. Tưởng là chìa khóa thực nhưng lại là chìa khóa giả. Chìa khóa thực sự chính là thứ dùng để mở cho ta trước, sau mới mở được cho người. Yêu thương tin tưởng chính mình trước, rồi học cách yêu thương tin tưởng người khác. Nếu tỉnh thì hiểu khi nào cái này còn giá trị, khi nào cần làm cho nó có giá trị. Biết được hồn cốt tinh thần thì lại càng sống cho phải đạo, cần nghiêm cẩn mà dụng thủ công phu, tránh tùy tiện mà cũng cần tránh cứng nhắc. Đừng bao giờ để phai nhạt đi niềm tin cũng như sức mạnh tình thương của chính mình, dù ta biết được rất nhiều sự thật. Dù ta biết rằng xung quanh ta tần số mong cầu nhiều hơn ban phát.
        Khi chúng ta có được niềm tin của mọi người, đó là một giá trị và là sức mạnh vô giá. Vấn đề là cần phát huy điều đó như thế nào. Nếu trong một phút giây mặt ta biến sắc đỏ hoặc tái xanh, hoặc thâm đi cộng với nụ cười tắt lịm chúng ta hợp với ngành “hộ pháp” kiểu Tiêu diện đại vương hoặc hình sự kiểu quan tòa hoặc sắp gặp tai họa thì làm sao củng cố được bàn thạch niềm tin. Học đạo Hiền nhân và Thánh nhân không phải cách học để tạo ra quyền lực hoặc tiếng vang. Tình, lợi, danh không màng nhưng cũng đừng ngộ nhận quyền năng thái quá.
        Có chăng, luật ở đời cho phép chúng ta lúc thì làm hậu nhân khi thì làm tiền bối. Chúng ta cần phải biết, khi mình được niềm tin của mọi người rồi thì giữ gìn và cần phát huy hơn nữa. Chỉ một cái nhăn mặt cũng khiến cho ý chí chân thành từ người khác trở thành ủ dột, thất vọng. Thế nên lúc nào cũng cần: “như thiết như tha, như trác như ma” nghĩa là đẽo gọt thật cẩn thận, mài giũa thật tinh tế từ lời nói, việc làm, hành động và những biểu hiện nhân cách, lối sống của mình sao cho xứng đáng với vai trò là những vị tiền bối dìu dắt người khác. Chúng ta cần giúp học viên tự nhận thức hơn là nhồi nhét, máy móc. Quân dung cần tươi tỉnh, học cách dùng ánh mắt, học cách mỉm cười, học cách gật đầu và học cách lắc đầu sao cho có đạo lực, nụ cười cũng có nguyên tắc của nó.
        Chúc cho quý vị đồng môn tinh tấn luyện tập trước là để có sức khỏe tốt, sau là có đời sống tinh thần hạnh phúc để giúp đỡ và dìu dắt bà con sau này.
                    Cao nhân tất hữu cao nhân trị
                    Học chí như ngu thỉ vị hiền.

 

Tác giả bài viết: CHỈNH CA (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)

Chú ý: Quý vị đăng lại bài viết ở Website hoặc phương tiện truyền thông khác xin vui lòng  ghi rõ nguồn http://truongsinhhocds.com -Cám ơn!

Tổng số điểm của bài viết là: 179 trong 40 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 40 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Trần Văn Minh

    Bài viết hay. Một điều rút ra là: "Linh tại ngã, bất linh tại ngã". Việc ứng dụng năng lượng Trường Sinh học có "linh" không chính là ở người tập luyện. Nhưng để cho môn học được "linh", phần lớn từ những giảng huấn trực tiếp khai mở luân xa. Đồng thời các thiện tri thức cùng góp phần tích cực trong việc tư vấn, cung cấp thông tin, động viên, những điều xác đáng đến với môn sinh và tất cả mọi người.

     Trần Văn Minh  tvminhthu@gmail.com  11/11/2016 09:32
  • Hà Văn Cường

    Nói thì dễ, làm mới khó.

     Hà Văn Cường  halungvang@gmail.com  13/01/2016 12:36
  • Ngô Minh Đăng

    Biết là vàng thật vàng giả đó, nhưng khó phân biệt được. Thời mạt pháp đồng thau lẫn lộn, chúng sinh ngang ngược, không tin chánh pháp, theo ma đạo mà trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Tiếc thay một kiếp người.

     Ngô Minh Đăng  ngominhdang81@gmail.com  04/01/2016 16:49
  • Đinh Minh

    Đúng là hiện nay vàng thật, vàng giả đang lẫn lộn tùm lum. Mỗi người hãy tỉnh táo, tự chọn cho mình một hướng đi đúng đắn để khỏi ân hận vì lầm lỡ.

     Đinh Minh  dinhminh439@gmail.com  06/04/2014 10:29
Mã bảo mật   
. "Sức khỏe là vốn quý nhất của mọi con người và của toàn xã hội; là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và của mọi người dân; là trách nhiệm ... "
(Trích NQ TW4, Khóa VII) .
Bình luận mới
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây