Trường Sinh Học Dưỡng Sinh

http://www.truongsinhhocds.com


Cái thấy từ bên trong

Cách ta nhìn cuộc sống và người khác là thước đo bên trong lòng ta cạn, hẹp, sâu, dày ra sao.
Cái thấy từ bên trong
 
       1.  Chuyện xưa kể rằng, một hôm, Tô Đông Pha(*) đến chùa Kim Sơn viếng thăm Thiền sư Phật Ấn. Đàm đạo cả ngày, bấy giờ Tô Đông Pha mới hỏi Thiền sư Phật Ấn rằng:
      - Bạch Đại sư! Ngài ngồi đây nhìn thấy tôi giống cái gì?
      Thiền sư Phật Ấn trả lời một cách trang nghiêm và trân trọng:
      - Xem ra giống một vị Phật!
       Trong tâm của Tô Đông Pha nghe vậy hớn hở vui mừng. Thiền sư Phật Ấn mới hỏi lại Tô Đông Pha:
      - Ông thấy ta ra sao?
      Bấy giờ Tô Đông Pha nhìn thấy Thiền sư Phật Ấn mập tròn, bèn đáp:
      - Nhưng mà tôi nhìn ngài giống một đống phân trâu.
       Tô Đông Pha sung sướng tươi cười cứ nghĩ là mình đã chiến thắng. Khi đó, Tô Đông Pha mới hỏi Thiền sư Phật Ấn rằng:
      - Ngài tôn tôi là Phật, nhưng tôi nói ngài là một đống phân, ngài không giận sao?
       Thiền sư Phật Ấn trả lời rằng:
      - Tôi nên vui mừng mới đúng làm sao mà nổi giận được.
       Tô Đông Pha hỏi tại sao? Thiền sư Phật Ấn trả lời:
      - Bởi vì mình là Phật nên nhìn người khác là Phật, chính mình là đống phân thì nhìn người khác là đống phân mà thôi!
 
       2.  Chuyện xưa, nhưng ai đọc và bao giờ đọc, chịu khó suy ngẫm cũng đều học được bài hay. Thực tế cho thấy, ta thường ngó bên ngoài, thích soi mói, chỉ lỗi người khác hơn là kiểm điểm tự thân. Vì vậy, ta sẽ ngày càng xấu đi thay vì sẽ tốt lên vì bản thân không tự sửa mà đem mong cầu người khác sửa để rồi khổ theo cái chưa tốt của họ (theo mình).
       Ta dễ thấy cái dở của người, đó là một tập khí. Vì trong ta dở. Dở ở chỗ thực tập chưa có hay bốn tâm: từ, bi, hỷ, xả. Nếu thiệt thương, thiệt hoan hỷ... thì ta nhìn cuộc sống tươi hơn, dẫu nó biểu hiện thế nào thì lòng ta cũng luôn có sẵn bốn chữ “tư duy tích cực” để nhìn nhận, sống cùng thực tại một cách an vui, an ổn nhất có thể. Và, dẫu người ta có xấu xí cỡ nào thì xả là việc của mình cần nhớ để thăng bằng nội tâm.
       Thực sự, ở một ai đó, ở cuộc sống và cõi Ta-bà mình đang sống không đến nỗi nào, nếu ta dùng “mắt thương nhìn cuộc đời”. Tất nhiên, đó là đôi mắt đã được rèn trui từ sự tĩnh lặng, quán chiếu sâu sắc theo cách Phật dạy: nhân quả, vô thường, vô ngã... Trên công thức “Tứ diệu đế”, thấy rõ “Bát Chánh đạo” là con đường đưa tới giác ngộ, giải thoát thì ta bồi tô cho tự thân thêm vững chãi.
       Như một người học trò hay thuộc làu công thức và các phương pháp đi tới bài giải thì đáp số cho một bài toán (dẫu khó) mà mình gặp phải trong cuộc đời cũng sẽ không thành vấn đề hoặc không là quá khó. Khi đó, tham-sân-si đã được ta kiểm soát ngay từ khi khởi lên những ý niệm nhỏ nhiệm thì việc chuyển hóa chắc chắn dễ dàng và không cần phải kìm nén gì cả thì ta cũng nói lời ái ngữ, làm điều từ bi. Trong tâm ta tự toát ra cách nghĩ, lời nói, ứng xử như thế nên thân ta toát ra năng lượng bình an mà ai cũng có thể cảm nhận được.
 
       3.  Cách ta nhìn cuộc sống và người khác là thước đo bên trong lòng ta cạn, hẹp, sâu, dày ra sao. Trong dân gian người ta thường nói “lấy bụng ta suy ra bụng người” là vì vậy. Do đó, dẫu ta có là người khéo diễn cỡ nào thì việc ứng xử với cuộc sống sẽ khiến “cái kim trong bọc có ngày sẽ lòi ra”. Tức là, khi đó “tướng từ tâm sanh”, mọi người sẽ thấy được tâm hồn ta qua cách ta nói, ta làm.
       Đương nhiên, cách ta nói, ta làm sẽ khiến cho cách ta nghĩ được kiện toàn theo hướng tốt lên hay sẽ càng trở nên ấu trĩ – đó là sự tương tức, nương nhau mà biểu hiện của ba nghiệp. Vì thế, không phải tự nhiên nhà thiền khuyên dùng lời ái ngữ, cử chỉ nhẹ nhàng trong mọi trường hợp, mà bởi chính việc giữ thân (oai nghi) cũng là phương tiện giúp tâm trở nên ngăn nắp dần và ngược lại, theo một quy luật phát triển của vòng xoắn ốc.
       Nhớ câu chuyện của Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn để nhớ rằng, đừng tưởng khi ta chê bai, hạ bệ người khác thì người khác sẽ xấu đi. Đừng quên, đó là thước đo lòng mình và nếu cái nhìn và đánh giá của ta là một sự cố ý trù dập thì chẳng khác gì hốt cát mà ném lên trời, bụi bay vào mắt cay xè, ta là người lãnh đủ mà thôi... 
____________________
       (*) Tô Đông Pha là một nhà thơ lớn vào thời Tống ở Trung Quốc, được mệnh danh là Bát đại Đường Tống; có thời ông làm quan ở Thiểm Tây và Hàng Châu. Ông cũng rất hâm mộ đạo Phật và tự xem mình như một Phật tử. Ông và Thiền sư Phật Ấn là đôi bạn thân. Hai người thường xuyên đàm đạo về Phật giáo và thơ phú.

Tác giả bài viết: LƯU ĐÌNH LONG

Nguồn tin: www.giacngo.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây